ADB dự báo kinh tế Châu Á lao dốc mạnh nhất 22 năm, tăng trưởng Việt Nam chỉ đạt 4,8%
Các nền kinh tế Châu Á sẽ chứng kiến mức tăng trưởng giảm xuống 2,2% trong năm 2020, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1998, một năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á nổ ra. Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu do đại dịch, và ước tính rằng dịch bệnh có thể thổi bay 2,3-4,8% GDP toàn cầu trong năm nay, tương đương 2-4,1 nghìn tỷ USD.
Dù vậy, ADB đưa ra viễn cảnh sáng sủa rằng kinh tế Châu Á phục hồi 6,2% trong năm 2021 nếu dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian ngắn và các hoạt động kinh tế trở lại mức thông thường.
“Không ai có thể chắc chắn đại dịch Covid sẽ lan rộng đến mức nào, khi nào chúng ta thành công kiểm soát đại dịch” - Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho biết. “Nguy cơ bất ổn tài chính nghiêm trọng, thậm chí khủng hoảng tài chính toàn cầu hoàn toàn có thể xảy ra”.
Ngân hàng ADB cũng dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc - quốc gia đầu tiên xuất hiện ca nhiễm Covid-19 sẽ giảm từ mức 6,1% hồi năm 2019 xuống 2,3% trong năm 2020, nhưng phục hồi mạnh mẽ 7,3% trong năm 2021.
Cùng với Trung Quốc, 9 nền kinh tế phụ thuộc mạnh mẽ vào công nghiệp du lịch và thương mại được dự báo GDP giảm mạnh gồm Thái Lan (-4,8%), Hồng Kông - Trung Quốc (-3,3%), Maldives (-3,3%), Timor Leste (-2,0%), Fiji (-4,9%), Vanuatu (-1,0%), Quần đảo Cook (-2,2%), Palau (-4,5%) và Samoa (-3,3%).
Các quốc gia có quan hệ thương mại phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc như khu vực Đông Nam Á cũng được cảnh báo trên đà giảm tốc. Theo ADB, tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% hồi năm 2019 xuống 1% trong năm 2020 trước khi phục hồi lên 4,7% năm 2021.
Việt Nam, quốc gia láng giềng Trung Quốc được dự đoán là sẽ chứng kiến các ảnh hưởng hạn chế với mức tăng trưởng 4,8% trong năm 2020 và 6,8% cho năm 2021.
Nam Á, khu vực kinh tế cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được dự báo tăng trưởng 4,1% trong năm 2020 trước khi đạt mức 6% trong năm 2021. Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á được cho là đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2020 trong bối cảnh phong tỏa quốc gia và khủng hoảng tín dụng, trước khi tăng trưởng GDP tăng lên 6,2% trong năm 2021.
“Dịch Covid-19 chưa lan rộng ở Ấn Độ, nhưng các biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch bệnh cũng như môi trường kinh doanh toàn cầu suy yếu sẽ thổi bùng những lực cản mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của đất nước này” - theo nhận định của ADB.
Khu vực Trung Á, quê hương của các nhà sản xuất dầu mỏ như Kazakhstan và Azerbaijan sẽ chứng kiến mức tăng trưởng giảm xuống 2,8% trong năm 2020, trong bối cảnh nhu cầu dầu giảm mạnh và giá dầu chạm đáy, trước khi phục hồi lên 4,2% năm 2021, khi thị trường dầu mỏ toàn cầu nói chung ổn định trở lại.
Nhà kinh tế Yasuyuki Sawada nói thêm rằng: “Sự lây lan đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đang đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới vào tình trạng bất ổn… Cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là những nỗ lực đoàn kết và mạnh mẽ” từ các chính phủ trên toàn cầu. Yasuyuki Sawada không loại trừ khả năng hạ dự báo tăng trưởng nếu dịch bệnh kéo dài và phục hồi diễn ra chậm hơn dự kiến.