Agribank Bến Tre với mô hình 3N
Do đặc tính của trái bưởi có thể bảo quản lâu ngày, vận chuyển đi xa có chất lượng ngon, nên Bưởi da xanh có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, mô hình trồng bưởi da xanh là một trong những mô hình điển hình về tính liên kết giữa Nông dân – Ngân hàng – Nhà khoa học (gọi là 3N- PV).
Thăm gia đình ông Đàm Văn Long ở xã An Khánh, huyện Châu Thành. Ông Long là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền và có mối quan hệ làm ăn lâu đời với Agribank chi nhánh Châu Thành.
Trao đổi với chúng tôi, ông Long cho biết: “Gia đình tôi có 2,5 ha đất trồng Bưởi. Mỗi năm, vườn Bưởi này thu hoạch được bình quân 40 tấn trái (với giá bán dao động từ 35.000 đến hơn 50.000 đồng/kg), trừ tất cả chi phí, gia đình còn lời gần 2 tỷ đồng”.
Để có vườn Bưởi da xanh đặc sản và có giá trị kinh tế cao như hiện nay, gia đình ông Long cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, liên tục thay đổi giống cây ăn trái- hết trồng rồi chặt, hết chặt lại trồng. Mỗi lần thay đổi như vậy, người nông dân gặp khó khăn về vốn- bởi giai đoạn đầu chuyển đổi phải mất 3-4 năm cây mới cho trái.
Do vậy việc xem xét, giải ngân kịp thời của Agribank rất có ý nghĩa đối với bà con nông dân ở đây. Nhờ có nguồn vốn đầy đủ, lãi suất hợp lý nên gia đình ông yên tâm đầu tư cải tạo vườn cũng như đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại.
Theo ông Long: Để trồng cây ăn trái đạt chất lượng, trước tiên người nông dân phải học hỏi kỹ thuật và mạnh dạn áp dụng vào mô hình sản xuất của mình. Từ khâu chọn giống cho chuẩn, biết sử dụng đất cho phù hợp với từng loại cây; Chú trọng bón phân, nước đầy đủ; đảm bảo vệ sinh thường xuyên để hạn chế sâu bệnh… đều phải tuân thủ đúng quy trình.
Nhờ siêng năng chịu khó, cộng với việc biết ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật nên vườn Bưởi da xanh của gia đình ông Long luôn đạt về năng suất và chất lượng. Năm nào cũng vậy, hễ tới kỳ thu hoạch là có thương lái đến tận vườn thu mua để xuất khẩu.
Không chỉ gia đình ông Long, mà nhiều nông dân ở đây cũng chọn cây Bưởi da xanh làm cây trồng chủ lực. Rất nhiều hộ thành công với loại cây đặc sản này, diện tích trồng Bưởi da xanh nhờ vậy mà không ngừng được mở mới. Những vườn Bưởi sạch ở An Khánh đã góp phần quan trọng, làm nên thương hiệu Bưởi da xanh Bến Tre.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thiển, cán bộ Chi nhánh Agribank huyện Châu Thành, người đã gắn bó với nông dân rất nhiều năm, tâm sự: Để có được những Mô hình làm ăn hiệu quả, cán bộ ngân hàng và cán bộ xã luôn sát cánh với bà con. Có nhiều lúc mọi người phải ngồi cùng bà con để tính toán phương án làm ăn của từng hộ. Mỗi người góp chút ý kiến, kinh nghiệm, mong sao bà con làm ăn có hiệu quả, vì như vậy thì Ngân hàng mới bảo toàn được vốn.
Đến thăm vườn bưởi da xanh của ông Trịnh Ngọc Trung ở xã Quới Sơn, một trồng những hộ đi đầu trong việc chuyển đổi phương thức canh tác theo mô hình an toàn sinh học VietGap.
Ông Trung cho biết: khi kinh tế phát triển, người tiêu dùng không chỉ có nhu cầu ăn ngon, mà còn phải an toàn. Do vậy, khi bắt tay vào trồng Bưởi, ông đã mạnh dạn chọn áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn (tức là canh tác theo mô hình an toàn sinh học VietGap).
Nhờ vậy, vườn Bưởi của gia đình ông không chỉ đạt năng suất cao mà chất lượng rất tốt, rất an toàn- được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, toàn bộ Bưởi của gia đình ông được bao tiêu với mức giá cao hơn thị trường khoảng từ 5.000 đến 10.000đ/kg.
Sự tiếp sức của Agribank Chi nhánh huyện Châu Thành – Bến Tre trong thời gian qua đã giúp cho bà con trồng Bưởi an tâm đầu tư nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu Bưởi Bến Tre và từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình. Mô hình 3N tại tỉnh Bến Tre một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của Agribank trong việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước phát triển bền vững vùng đồng bằng Sông Cửu Long.