Ấn Độ đang cạn tiền, ông Modi có chấp nhận ôm nợ nước ngoài?

30/09/2020 09:16 GMT+7
Các dự án cơ sở hạ tầng thường mất nhiều năm để hòa vốn, nên nguồn vốn đầu tư dài hạn bền vững là vô cùng cần thiết. Khi hệ thống tài chính của Ấn Độ không đủ năng lực đảm bảo điều này, chính quyền Modi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường vốn quốc tế.

Giống như nhiều ngân hàng Trung Ương khác trên thế giới, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ RBI đã bơm thanh khoản hàng tỷ USD vào thị trường tài chính quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái kinh tế mà cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 toàn cầu mang lại.

Kể từ tháng 3, khi Ấn Độ thực hiện phong tỏa quốc gia đến nay, RBI đã bơm khoảng 50 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng quốc gia. Các ngân hàng công của Ấn Độ vừa phải vật lộn với các khoản vay chưa thực hiện, vừa phải đối diện với sự suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh như vậy, điều chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cần làm là tái tạo sức sống cho lĩnh vực ngân hàng.

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ chứng kiến tăng trưởng GDP âm trong năm 2020. Khu vực tư nhân không còn lạc quan về triển vọng trong tương lai gần và càng không còn khả năng tăng đầu tư dài hạn. Điều này nghĩa là động lực kích thích nền kinh tế Ấn Độ giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào chính phủ. 

Phương thức khả dĩ nhất để chính quyền Modi thúc đẩy kinh tế phục hồi là khởi động các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo ra tác động tích cực lan tỏa đến những khu vực còn lại của nền kinh tế. 

Khi Ấn Độ cạn tiền, ông Modi có thể phải chấp nhận ôm nợ nước ngoài - Ảnh 1.

Thủ tướng Narendra Modi cần xem xét một chính sách tài khóa hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ rơi vào suy thoái

Theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, mỗi 1 USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể mang về khoảng 0,2 USD lợi nhuận kinh tế. Với các quốc gia vốn thiếu hụt hệ thống cơ sở hạ tầng như Ấn Độ, mức lợi nhuận nhiều khả năng còn cao hơn. Chính quyền Modi có vẻ đang đặt niềm tin vào một mô hình Keynes cổ điển về vai trò của chính phủ trong việc điều tiết tăng trưởng kinh tế. 

Minh chứng thành công cụ thể đã được lịch sử ghi nhận là trong thời kỳ Đại suy thoái, khi cựu Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đưa ra sáng kiến New Deal, bao gồm việc khởi động vô số dự án công trình công cộng để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho nước Mỹ. Sáng kiến này đã giúp tạo ra hàng triệu việc làm cho thị trường lao động, thúc đẩy tâm lý lạc quan đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nhờ đó, nước Mỹ dần thoát khỏi suy thoái. Một chính sách tương tự liệu có hiệu quả với Ấn Độ hay không?

Điều đó phụ thuộc vào nguồn tiền tài trợ mà chính quyền Thủ tướng Modi có thể chi ra. Ông Modi từng cam kết chi 1,4 nghìn tỷ USD để đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng các nhà quan sát tự hỏi Modi sẽ lấy đâu ra số tiền khổng lồ này. Hiện nay, New Delhi đang dựa nhiều hơn vào việc huy động các nguồn lực trong nước thay vì tìm kiếm nguồn tài trợ từ nước ngoài. 

Hồi tháng 5, chính phủ đã bán ra số trái phiếu trị giá 4 tỷ USD, nhưng hầu hết trong số đó được mua bởi các ngân hàng và tổ chức tài chính nhà nước. Từ đây phát sinh một vấn đề lớn.

Các ngân hàng càng cho nhà nước vay nhiều tiền thì dư địa tín dụng còn lại cho doanh nghiệp càng ít. Hiện các khoản vay mà ngân hàng Ấn Độ dành cho chính phủ và công ty thuộc khu vực công đã vượt quá 13% GDP. Trong khi đó, nhiều bằng chứng cho thấy khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại ít nhận được những khoản vay hỗ trợ để tồn tại qua đại dịch. Điều này tạo nên một nghịch lý, bởi khu vực tư nhân vốn là trụ cột của nền kinh tế Ấn Độ, chiếm tới 75% tổng nhu cầu đầu tư. 

Để đủ nguồn lực kích thích nền kinh tế một cách toàn diện, các ngân hàng Ấn Độ cần được bơm tiền nhiều hơn. Nó không đơn giản là việc in thêm tiền và đưa tiền mặt tràn ngập nền kinh tế. Nhưng New Delhi có thể xem xét tìm kiếm các nguồn tín dụng quốc tế.

Nếu nhìn một cách tích cực, gánh nặng nợ nước ngoài của chính phủ Ấn Độ không lớn, chỉ chiếm khoảng 20% GDP, thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Phần lớn nợ của Ấn Độ là nợ trong nước. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối quốc gia cũng đủ để New Delhi đáp ứng bất kỳ nghĩa vụ trả nợ nào. 

Ấn Độ có thể vay bằng USD. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Modi cần xem xét dỡ bỏ các hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường tín dụng. Các tổ chức tài chính quốc tế hiện đang nắm giữ khối tài sản ước tính lên tới 120 nghìn tỷ USD. Dù chỉ khai thác một phần nhỏ trong số dòng vốn này, nó cũng giúp chính phủ Ấn Độ đi được một chặng đường dài trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính quốc gia. Nhất là trong bối cảnh lãi suất toàn cầu đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Như vậy, việc trả nợ có thể không khó với Ấn Độ như một số nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực. 

Hoặc New Delhi cũng có thể tận dụng nhiều gói hỗ trợ tài chính mà các tổ chức phát triển quốc tế đang hào phóng cung cấp cho các nước thành viên nhằm xoa dịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Chẳng hạn, hồi tháng 4, Ngân hàng Thế giới WB đã phê duyệt một gói tài chính khẩn cấp trị giá 1 tỷ USD để giúp Ấn Độ ứng phó với đại dịch. Sau đó 2 tháng, WB lại thông qua một gói cứu trợ khác trị giá 750 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Các dự án cơ sở hạ tầng lớn thường được thực hiện dựa trên mô hình hợp tác công tư và chủ yếu dựa vào vốn vay. Nhưng việc huy động vốn sẽ trở nên khó khăn nếu New Delhi không khắc phục được vấn đề rủi ro tài chính. Các dự án cơ sở hạ tầng thường mất nhiều năm để hòa vốn, nên nguồn vốn đầu tư dài hạn bền vững là vô cùng cần thiết. Khi hệ thống tài chính của Ấn Độ không đủ năng lực đảm bảo điều này, chính quyền Modi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài thị trường vốn quốc tế.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục