Muốn biết đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế ra sao, hãy nhìn vào Ấn Độ

22/03/2021 14:29 GMT+7
Kết quả phân tích được Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hồi cuối tuần trước cho thấy đã có khoảng 75 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh đói nghèo trong năm qua sau cuộc khủng hoảng đại dịch khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Con số 75 triệu người Ấn Độ tái nghèo chiếm gần 60% tỷ lệ đói nghèo gia tăng trên toàn cầu trong năm 2020, phân tích của Pew chỉ ra. Những người thuộc nhóm nghèo trong thống kê được định nghĩa là nhóm có thu nhập trung bình từ 2 USD/ ngày trở xuống.

Ấn Độ là một trong những ổ dịch Covid-19 lớn nhất hành tinh. Tính đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận ít nhất 11,5 triệu ca nhiễm Covid-19, chỉ sau Mỹ và Brazil.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo nền kinh tế Ấn Độ có thể chứng kiến mức tăng trưởng âm 8% trong năm tài chính 3/2020-3/2021, trước khi ghi nhận tăng trưởng 11,5% trong năm tài chính tiếp theo.

Muốn biết đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế ra sao, hãy nhìn vào Ấn Độ - Ảnh 1.

75 triệu người Ấn Độ rơi vào đói nghèo trong năm ngoái vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19

Rakesh Kochhar, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết trong báo cáo mới công bố rằng từ năm 2011 đến năm 2019, số người nghèo ở Ấn Độ ước tính đã giảm từ 340 triệu xuống còn 78 triệu. Nếu không có sự bùng phát đại dịch Covid-19 trong năm ngoái, con số này đã có thể giảm mạnh hơn nữa xuống 59 triệu người. Nhưng khi làn sóng đại dịch bùng phát khiến chính quyền Tổng thống Narendra Modi buộc phải phong tỏa quốc gia trong nhiều tháng trời, số người nghèo tại Ấn Độ được dự báo đã tăng lên 134 triệu người trong năm 2020.

Đại dịch cũng để lại hậu quả nặng nề với sự tăng trưởng tầng lớp trung lưu của đất nước. Những người dân có mức thu nhập trung bình (10,01 USD - 20 USD/ ngày) tại Ấn Độ đã tăng lên từ 29 triệu lên 87 triệu trong giai đoạn 2011-2019, nhưng dự kiến sẽ giảm xuống 66 triệu trong năm 2020 do cuộc khủng hoảng đại dịch.

Tương đương Ấn Độ, Trung Quốc cũng được mệnh danh là quốc gia tỷ dân với dân số ước tính 1,4 tỷ người. Nhưng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 với tỷ lệ đói nghèo tại Trung Quốc nhỏ hơn rất nhiều so với Ấn Độ, theo báo cáo của Pew.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 2,3% trong năm ngoái và dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng 8,1% trong năm nay, theo dự báo mới nhất của IMF. Đây là nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu ghi nhận tăng trưởng thực tế vào năm 2020. Sự phục hồi vững mạnh của nền kinh tế Trung Quốc được phản ánh trên nhiều phương diện: thị trường lao động mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp thấp, thị trường chứng khoán sôi sục, kim ngạch xuất khẩu tăng vọt và đồng NDT tăng giá mạnh mẽ so với đồng USD.

Không thể phủ nhận, Trung Quốc đã trở thành điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế thế giới trong năm 2020 khi được dự báo một trong số ít quốc gia ghi nhận tăng trưởng thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu, bất chấp một sự thực rằng đây là tâm chấn dịch Covid-19 đầu tiên. Theo ông Kochhar, chính điều này đã khiến tỷ lệ nghèo đói của Trung Quốc hầu như không thay đổi.

Về triển vọng năm 2021, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng trên 6%, một con số khiêm tốn so với dự báo của giới chuyên gia.

Phân tích về Ấn Độ và Trung Quốc đi kèm với báo cáo được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew về ảnh hưởng của sự bùng phát đại dịch Covid-19 đến mức thu nhập trên khắp thế giới. 

Trên toàn cầu, Pew ước tính có thêm 131 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo vì cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm ngoái (so với mức dự báo trong trường hợp đại dịch không xuất hiện). “Do Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tới hơn 1/3 dân số toàn cầu, với khoảng 1,4 tỷ người mỗi quốc gia, nên diễn biến của đại dịch ở hai quốc gia này - và cách thức phục hồi của mỗi quốc gia - sẽ có tác động đáng kể đến những thay đổi trong phân bố thu nhập ở cấp độ toàn cầu” - báo cáo nhấn mạnh.


NTTD
Cùng chuyên mục