Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngân hàng nào sẽ phục hồi nhanh nhất?

05/05/2020 06:21 GMT+7
Ngân hàng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi đại dịch chưa qua, một số đơn vị đã sẵn sàng phục hồi.

Công ty chứng khoán Vndirect đã có phân tích về mức độ tác động của đại dịch Covid-19 tới một số ngân hàng cũng như khả năng phục hồi của những đơn vị đó.

VCB: Tiêu cực nhẹ

Vndirect phân tích Covid-19 khiến tín dụng của Vietcombank giảm tốc và giảm NIM do giảm lãi suất cho vay và miễn giảm lãi phải trả cho khách hàng. Vndirect dự báo nợ xấu sẽ tăng, tuy nhiên, với quan điểm thận trọng trong cho vay và dự phòng, nợ xấu của VCB sẽ tăng chậm hơn các ngân hàng khác và VCB có nguồn tài chính tốt hơn để xử lý nợ xấu. Khẩu vị rủi ro thấp và tỷ lệ cho vay/huy động thấp hơn giúp giảm thiểu ảnh hưởng tới NIM.

VCB là chủ nợ của hai tập đoàn nhà nước lớn, PetroVietnam và Vietnam Airlines. Các công ty này hiện đang gặp khó khăn tài chính, nhưng do có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng họ sẽ được cơ cấu lại nợ gốc và miễn giảm lãi tại các ngân hàng. Lãi phải trả tại VCB có thể sẽ được miễn giảm, ảnh hưởng tới thu nhập lãi, nhưng thanh khoản của VCB vẫn sẽ được đảm bảo.

Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngân hàng nào sẽ phục hồi nhanh nhất? - Ảnh 1.

Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng một số ngân hàng sẽ phục hồi nhanh (Ảnh minh họa).

VCB có 101 nghìn tỷ trái phiếu chính phủ tại thời điểm cuối năm 2019, và số trái phiếu này có thể được bán hoặc dùng để vay vốn giá rẻ từ NHNN để trả cho người gửi tiền khi cần thiết. VCB cho biết gói tín dụng hỗ trợ khách hàng và việc miễn giảm lãi sẽ làm giảm 2.240 tỷ lợi nhuận của ngân hàng, tương đương 9,7% lợi nhuận trước thuế 2019.

VCB dự báo sẽ phục hồi nhanh nhất trong số ngân hàng. Vndirect đã đưa ra những nguyên nhân cho kết luận này.

Thứ nhất, tỷ lệ thâm nhập trong phân khúc bán lẻ còn thấp, vì thế ngân hàng có dư địa để phát triển phân khúc này, qua đó cải thiện tỷ lệ NIM; Thứ hai, thu nhập bất thường từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền và nguồn thu nhập mới từ hoa hồng bảo hiểm sẽ thúc đẩy lợi nhuận; Thứ ba, chính sách thận trọng giúp giảm thiểu rủi ro nợ xấu; Thứ tư, tập khách hàng bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn sẽ giúp tăng trưởng tín dụng phục hồi nhanh hơn.

ACB: Tiêu cực nhẹ

Theo Vndirect, tăng trưởng tín dụng tại ACB sẽ giảm tốc và NIM giảm do giảm lãi suất cho vay và miễn giảm lãi suất. 60% dư nợ của ACB đến từ khách hàng cá nhân, vì thế ACB sẽ gặp ít áp lực đối với NIM so với các ngân hàng tập trung cho vay khách hàng doanh nghiệp, do khách hàng doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn trong việc miễn giảm lãi và quy mô khoản vay của khách hàng cá nhân thường nhỏ.

Cơ sở khách hàng đa dạng cũng giúp ACB phân tán rủi ro, do đó giảm ảnh hưởng của Covid-19 tới vấn đề nợ xấu. Ngoài ra, dư nợ của ACB trong các lĩnh vực rủi ro khá thấp: 6,3% trong ngành xây dựng và bất động sản, 24,1% cho vay cá nhân để mua nhà, cho vay tín chấp dưới 1% tổng dư nợ, và tổng dư nợ đối với ngành sản xuất, nông nghiệp, khách sạn và giao thông vận tải chiếm 11,3% tổn dư nợ vào cuối 2019.

Vndirect đánh giá ACB có khả năng phục hồi nhanh do: Chất lượng tài sản tốt và khẩu vị rủi ro thấp (tập khách hàng đa dạng, dư nợ đối với các lĩnh vực rủi ro khá thấp) sẽ giúp ACB hạn chế nợ xấu; Khả năng ký kết thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền sẽ giúp thu nhập tăng cao; Các chương trình với mục đích mở rộng tập khách hàng sẽ giúp cải thiện tỷ lệ CASA. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có thể phục hồi chậm hơn so với các ngân hàng khác vì khách hàng cá nhân có thể thận trọng hơn trong việc vay mới ngay sau khi dịch kết thúc.

MBB: Tiêu cực nhẹ

Tăng trưởng tín dụng và NIM sẽ giảm nhưng tỷ lệ cho vay/huy động thấp hơn các ngân hàng khác sẽ giúp giảm áp lực tới NIM. MBB sẽ có nợ xấu tăng và chi phí tín dụng tăng cao nhanh hơn VCB và ACB, do hoạt động tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng ở mức dưới 4% tổng dư nợ cuối 2019, vì vậy MBB có đủ nguồn lực để dự phòng cho nợ xấu mới hình thành.

Do có Tập đoàn Viettel là cổ đông chính, MBB có quan hệ tín dụng và huy động với các công ty trong tập đoàn, cũng như với các nhân viên của tập đoàn. Viettel hoạt động trong các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (như viễn thông, bưu chính, vận chuyển hàng hóa, truyền hình), MBB sẽ phần nào được bảo vệ khỏi nguy cơ nợ xấu tăng và giảm huy động đến từ nhóm khách hàng Viettel.

MBB được Vndirect  đánh giá có tốc độ phục hồi khá. Nguyên nhân là do: MBB tiếp tục mở rộng mảng cho vay bán lẻ và tài chính tiêu dùng giúp cải thiện NIM; Phí dịch vụ tăng tốt nhờ hoạt động bảo hiểm, thẻ và ngân hàng số; Nguồn dự phòng hiện tại và thu nhập phục hồi sẽ giúp MBB có đủ nguồn lực xử lý nợ xấu.

TCB: Tiêu cực

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng nhiều do TCB cho vay bất động sản nhiều và ngân hàng có tập khách hàng khá tập trung. Dư nợ cho công ty bất động sản và chuỗi cung ứng của các công ty này đã tăng, gây nên rủi ro nợ xấu cao hơn, do đó sẽ khiến NIM giảm nhiều khi phải thoái thu lãi. Tới cuối 2019, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức cao, chiếm 77,2% tổng tín dụng của TCB.

Tốc độ phục hồi trung bình với kỳ vọng tín dụng sẽ tăng dần sau khi dịch kết thúc. Khách hàng lớn nhất của TCB hiện đang có một số dự án bất động sản nhà ở lớn vẫn đang trong quá trình bán hàng, do đó TCB vẫn có nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, người mua nhà sẽ thận trọng hơn khi quyết định vay sau khi dịch vừa kết thúc.

Vì vậy, Vndirect dự báo tín dụng sẽ phục hồi với tốc độ trung bình. Dự báo tỷ lệ CASA của TCB sẽ tiếp tục cải thiện nhưng chi phí tín dụng tăng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận.

VPB: Tiêu cực

Trong danh mục theo dõi của Vndirect, VPB dự báo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh do mảng tài chính tiêu dùng khá lớn. Khi các hoạt động kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực bị gián đoạn do Covid-19, nhiều người bị giảm lương hoặc thất nghiệp. Trong khi đó, khách hàng chính của công ty tài chính tiêu dùng là những người thu nhập thấp, đây là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do bệnh dịch.

Do lĩnh vực này có rủi ro cao, chúng tôi dự báo ngân hàng sẽ giảm hoạt động tài chính tiêu dùng trong thời gian này, do đó tăng trưởng tín dụng và NIM sẽ giảm. Vì là hoạt động có rủi ro cao, dự báo nợ xấu của VPB cũng tăng nhanh. Tới cuối năm 2019, dư nợ tài chính tiêu dùng chiếm 34% tổng dư nợ của VPB.

Sau khi dịch bệnh kết thúc, VPB sẽ tiếp tục phát triển mảng tài chính tiêu dùng, do đó tín dụng và thu nhập sẽ dần phục hồi. Tuy nhiên, khách hàng cá nhân và nhu cầu tiêu dùng không thiết yếu của phân khúc này dự báo không phục hồi nhanh sau dịch, do đó tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của VPB sẽ phục hồi với tốc độ trung bình. Bên cạnh đó, gánh nặng nợ xấu sẽ làm chậm tăng trưởng lợi nhuận. Chúng tôi dự báo tốc độ phục hồi trung bình cho VPB trong kịch bản cơ sở. Nếu dịch kéo dài tới nửa cuối năm, VPB sẽ bị ảnh hưởng nặng do nợ xấu tăng nhanh, và phục hồi sau đó sẽ cần tới nhiều năm.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục