Áp lực bán hàng vụ mới, hai sàn giao dịch cà phê phủ toàn sắc đỏ
Giá cà phê hôm nay 21/11: Giá cà phê trong nước đồng loạt dưới 40.000 đồng/kg
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên rời xa mốc 40.000 đồng/kg sau khi tuột dốc trong phiên cuối tuần. Hiện tại, các tỉnh trọng điểm trong nước đang thu mua cà phê trong khoảng 39.000 - 39.500 đồng/kg.
Trong đó, mức giá thấp nhất là 39.000 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Kế đến là tỉnh Gia Lai với mức 39.400 đồng/kg.
Tương tự, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ổn định ở mức 39.500 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.
Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% ngày chốt tại 1.871 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London trừ 7 USD, tương đương 0,39% chốt ở 1.811 USD/tấn. Giá Arabica kỳ hạn tháng 03/2023 trên sàn New York giảm 1,25 cent, tương đương 0,8% chốt ở 155,1 US cent/lb. Tính chung cả tuần, giá Robusta giảm 1,36% và giá Arabica giảm 7,73%.
Giá cà phê thế giới tiếp tục bị tác động mạnh bởi hàng vụ mới từ các nguồn cung lớn, có tính chi phối thị trường như Việt Nam, Brazil. Áp lực thu hoạch vụ mùa mới của các nhà sản xuất chính, kết hợp với việc thanh lý vị thế trước ngày thông báo đầu tiên (FND) của thị trường cà phê Arabica New York tiếp tục kéo giá cà phê trên hai sàn tiếp tục sụt giảm.
Dự báo thời tiết sẽ gây mưa nhiều cho các nước sản xuất cà phê trên vành đai Thái Bình Dương cho tới tháng 2/2023, trong khi hiện tượng thời tiết La Nina đã được dự báo cũng không chắc chắn xảy ra, khiến thị trường đang tập trung theo dõi, vì lo ngại khô hạn ở các vùng cà phê phía Đông Nam Brazil.
Rabobank dự báo xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2023/24 của Brazil sẽ đạt khoảng 42-43 triệu bao, tăng so với mức 40 triệu bao của năm nay. Sản lượng sẽ tăng ít nhất là 8% lên mức 68,5 triệu bao (loại 60 kg). Tiêu thụ nội địa của nước này dự kiến cũng sẽ tăng khoảng 500.000 bao, tương đương mức tăng trưởng khoảng 2%.
Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê. Ghi nhận tại các tỉnh trong khu vực, năm nay, cà phê được mùa, tăng cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cà phê chín khi thu hái của nông dân Tây Nguyên đạt khoảng 85% cho thấy nông dân ngày càng ý thức hơn việc thu hái cà phê khi chín đều cho chất lượng tốt hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ cà phê chín hơn 90% thậm chí là đến 93% không còn là hiện tượng cá biệt trong vụ cà phê này.
Trái với diễn biến giá cà phê xuất khẩu, giá cà phê trong nước và thế giới liên tục điều chỉnh giảm từ cuối tháng 8/2022 đến nay, do thời tiết thuận lợi tại Brazil làm tăng triển vọng về nguồn cung, trong khi tình hình bất ổn của nền kinh tế thế giới có thể khiến nhu cầu tiêu thụ giảm. Giới chuyên gia cho rằng, điều này sẽ tác động tích cực đối với cà phê của Việt Nam, qua đó định hình triển vọng mới cho ngành cà phê.
Dự báo kinh tế thế giới suy thoái sẽ làm nhu cầu tiêu thụ cà phê sụt giảm. Trong khi, xu hướng nâng lãi suất tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ khiến đầu cơ dịch chuyển dòng vốn rời khỏi thị trường hàng hóa nói chung để đến với USD và trái phiếu kho bạc dài hạn, hiện đang có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Dữ liệu có phần cải thiện của kinh tế Mỹ đã khiến dọng điệu của quan chức Fed gần đây tỏ ra cứng rắn hơn cũng góp phần làm các Quỹ và đầu cơ chùng tay mua hàng hóa vì lo ngại lãi suất tăng cao.
Được biết, những ngày đầu tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm theo giá thế giới. Ngày 9/11/2022, giá cà phê Robusta giảm 1.100 đồng/kg so với ngày 28/10/2022 ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông. Mức giá thấp nhất 39.900 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất 40.500 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông là 40.400 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 79,83 nghìn tấn, trị giá 206,85 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với tháng 9/2022, giảm 19,6% về lượng và giảm 4,8% về trị giá so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,42 triệu tấn, trị giá 3,28 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá: Tháng 10/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.591 USD/tấn, tăng 6,1% so với tháng 9/2022 và tăng 18,4% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.300 USD/tấn, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu: Tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm về lượng so với tháng 10/2021, ngoại trừ Tây Ban Nha và Anh. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Ý, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Anh tăng. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Angieri giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 6 cho Trung Quốc, đạt 4,38 triệu USD trong tháng 9/2022, giảm 20,1% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 38,61 triệu USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 11,94% trong 9 tháng đầu năm 2021 xuống 7,31% thị phần trong 9 tháng năm 2022.
Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm giá. Lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái, trong khi các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đang hướng tới một vụ mùa kỷ lục trong năm 2023.