Bất chấp khó khăn, Việt Nam vẫn là một trong những nhà cung ứng cà phê hàng đầu thế giới
Giá cà phê hôm nay 15/11: Quay đầu giảm
Giá cà phê trong nước hôm nay 15/11/2022 giảm xuống mức 39.600 - 40.100 đồng/kg. Hai sàn giao dịch cà phê thế giới bao trùm sắc đỏ.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tuột dốc về sát mốc 40.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng giảm 400 đồng/kg về mức thấp nhất là 39.600 đồng/kg. Tiếp đến là Gia Lai với mức 40.000 đồng/kg sau khi giảm 400 đồng/kg.
Tương tự, sau khi giảm 400 đồng/kg, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cùng ở mức 40.100 đồng/kg trong hôm nay.
Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% ngày chốt tại 1.884 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London đảo chiều giảm 12 USD, tương đương 0,65% chốt mức 1.824 USD/tấn. Giá Arabica kỳ hạn tháng 03/2023 trên sàn New York mất 1,2 cent, tương đương 0,71% xuống ở 166,9 US cent/lb.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 14/11, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.
Arabica ghi nhận mức giảm 2,29%, trước những thông tin tích cực từ nguồn cung. Theo báo cáo của Brazil, xuất khẩu cà phê trung bình hàng ngày trong 2 tuần đầu của tháng 11 đạt 11.400 bao loại 60kg, cao hơn mức 9.200 của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy quốc gia xuất khẩu số một thế giới đang đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường. Cùng với đó, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US vẫn ghi nhận đà tăng và sẽ tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên giá.
Vụ thu hoạch cà phê mới tại Việt Nam cũng đang chịu nhiều áp lực khi nguồn cung thế giới đang tăng. Thông tin các vùng trồng cà phê chính ở miền Nam Brazil có mưa dồi dào, giúp cây cà phê ra bông vụ mới rất tốt, hứa hẹn vụ mùa năm tới sẽ phát triển thuận lợi. Thời tiết tại Colombia, Trung Mỹ và Mexico hầu hết cũng thuận lợi cho vụ thu hoạch...
Chính phủ Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê trung bình hàng ngày trong tháng 11/2022 ở mức 11.440 tấn vào cuối tuần thứ hai của tháng so với mức 9.200 tấn cùng thời điểm năm ngoái. Rabobank dự báo xuất khẩu cà phê trong năm tới của Brazil sẽ đạt khoảng 42-43 triệu bao, tăng so với mức 40 triệu bao của năm nay. Tiêu thụ nội địa của nước này dự kiến cũng sẽ tăng khoảng 500.000 bao, tương đương mức tăng trưởng khoảng 2%.
Các đại lý cho biết, một lượng lớn cà phê Arabica đổ vào các kho được ICE chấp thuận đã ảnh hưởng đến giá. Tính đến ngày 14/11, dự trữ cà phê được chứng nhận ICE đã tăng lên 468.291 bao và có 541.030 bao đang chờ phân loại.
Đồng USD tăng nhẹ trở lại sau nhiều phiên giảm, do các nhà đầu tư đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới.
Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là một trong những quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu thế giới
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 10 vừa qua của nước ta đạt hơn 79,8 nghìn tấn, trị giá 206,9 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với tháng trước đó do chưa chính thức bước vào giai đoạn thu hoạch của mùa vụ mới.
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, xuất khẩu cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,4 triệu tấn, với giá trị lên đến gần 3,28 tỷ USD. Như vậy, mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã vượt 0,2 triệu USD so với mức 3,07 tỷ USD của cả năm 2021.
Nhìn chung, ngành cà phê nước ta đã có một năm thành công với cả giá bán và sản lượng đều đạt các mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây và tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu thế giới.
Cụ thể: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10 đạt 79.833 tấn, trị giá 206,9 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với trước.
Nhưng tính chung 10 tháng, xuất khẩu cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,4 triệu tấn, với giá trị lên đến gần 3,28 tỷ USD. Như vậy, mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã vượt 0,2 triệu USD so với 3,07 tỷ USD của cả năm 2021.
Về thị trường xuất khẩu, 10 tháng năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Nga, Anh, Australia, New Zealand… đều tăng do nhu cầu tiêu dùng phục hồi, nguồn cung toàn cầu thắt chặt và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn, cùng với chi phí logistic tăng cao.
Riêng thị trường EU chiếm 38,7% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng qua với khối lượng đạt 551.610 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 19% về lượng và tăng 43,4% về trị giá.
Trong khối EU, ngoại trừ lượng cà phê xuất khẩu sang Đức giảm 9,4% các thị trường khác đều tăng mạnh như Bỉ tăng gấp 2,2 lần, Hà Lan tăng 2,5 lần, Tây Ban Nha tăng 37,3%, Italy tăng 8,9%...
Tuy nhiên, lạm phát tăng cao tại Liên minh châu Âu đang làm gia tăng lo ngại về triển vọng tiêu thụ cà phê tại khu vực này. Dữ liệu của Eurostat cho thấy, trong tháng 8 năm nay giá cà phê trung bình tại EU cao hơn 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí có thể cao hơn đối với những người có thói quen uống cà phê với sữa hoặc đường bởi giá sữa tươi nguyên kem tại EU bình quân tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giá sữa tươi ít béo tăng 22,2%, trong khi giá đường tăng tới 33,4%.
Theo Eurostat, Phần Lan ghi nhận mức tăng giá cà phê cao nhất là 43,6%, tiếp theo là Litva tăng 39,9%, Thụy Điển tăng 36,7%, Estonia tăng 36,4% và Hungary tăng 34,3%.
Bên cạnh EU, một số nước khác như Nga, Anh, Ấn Độ, Australia cũng tăng nhập khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng năm nay. Đặc biệt, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico tăng gấp 38 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 23.360 tấn.
Trái lại, lượng xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Angiêri, Trung Quốc... lại có xu hướng giảm.
Tuần qua chỉ số USDX giảm đến 4,16%, đáng ra đó là một lợi thế cho giá cà phê tăng giá. Tuy nhiên, một yếu tố USD có vẻ chưa đủ, giá trị đồng nội tệ Brazil và Việt Nam giảm tạo thuận lợi cho bán xuất khẩu. Nhưng nếu các nước sản xuất không bán, thì chính các nhà kinh doanh cũng bán khống như một cách đón giá hạ khi yếu tố tiền tệ và tỷ giá tạo áp lực phải bán sau này.
Các yếu tố cơ bản của thị trường cà phê thế giới trong giai đoạn ngắn và trung hạn vốn đã tiêu cực như Brazil được mùa lớn, Việt Nam chuẩn bị ra hàng, đồng nội tệ nhiều nước sản xuất mất giá tạo áp lực chào bán nhiều, giới đầu tư tài chính rút tiền đi kinh doanh chỗ khác… thì tâm lý lo lắng và các đồn đoán về một viễn cảnh xa hơn làm giá trên hai sàn cà phê giảm mạnh hơn.
Giới chuyên gia nhận định, quyết định về thị trường cà phê hiện nay không chỉ nằm trong tay giới đầu cơ về giá, về hàng hóa, mà còn cả về thông tin và phân tích thị trường. Người ta hiện chỉ chạy theo và lo vì các yếu tố trước mắt như tăng lãi suất, siết tín dụng, đồng tiền mất giá…
Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Số liệu công bố cho thấy, GDP của Hoa Kỳ quý 3/2022 tăng 2,6% so với quý trước. Điều này sẽ góp phần giúp Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) mạnh tay trong việc nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tới. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm. Lãi suất tăng cao, sức tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung dồi dào khi nhiều nước sản xuất cà phê chính bước vào kỳ thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ 2022/2023.
Được biết, năng suất cà phê Việt Nam đã tăng từ 23,5 tạ/ha năm 2011 lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn năm 2020 lên 1,81 triệu tấn năm 2021. Hiện năng suất cà phê của Việt Nam cao gấp hơn 3 lần (2,8 tấn/ha) so với năng suất cà phê trung bình của thế giới (0,8 tấn/ha).