Bất bình đẳng thu nhập tăng mạnh ở Trung Quốc
Tại quận Thanh Cương, tỉnh Hắc Long Giang cực Bắc Trung Quốc, các hộ gia đình đều đã có điện. Nhiều người dân thậm chí sử dụng smartphone. Một số tấm pin mặt trời được chính quyền địa phương lắp đặt rải rác trong khu vực để cung cấp điện sinh hoạt, làm thay đổi diện mạo cuộc sống vùng nông thôn này.
Người dân có thể đặt hàng trực tuyến qua mạng, hàng sẽ được giao đến một cửa hàng bách hóa trong làng, cách thủ phủ Cáp Nhĩ Tân khoảng ba giờ lái xe. Quận này hiện đã được đưa ra khỏi danh sách các địa phương nghèo của Trung Quốc vào năm 2020.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố các quận cuối cùng đã được xóa khỏi danh sách nghèo đói của đất nước, qua đó chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ của Trung Quốc nhằm chống lại đói nghèo cùng cực. Theo ông Tập, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của nước này đã đạt ngưỡng 4.000 Nhân dân tệ, tương đương 625 USD.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực hiện đại hóa nông thôn của Trung Quốc, bất bình đẳng thu nhập giữa những người dân nông thôn như ở Thanh Cương với các đô thị vẫn đang gia tăng nhanh chóng. Thực tế này xảy ra dù Bắc Kinh đã dành tới 530,5 tỷ Nhân dân tệ (83 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) để hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020.
“Cuộc sống hàng ngày của chúng tôi đã được cải thiện trong vài năm qua, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn” - tờ Nikkei Asian Review trích lời một nông dân chăn nuôi lợn 54 tuổi ở Thanh Cương. Cả gia đình ông này kiếm được ít hơn 30.000 Nhân dân tệ mỗi năm, nhưng riêng tiền học cho con gái đã tốn tới 5.000 Nhân dân tệ mỗi năm.
Quy mô dân số thành thị của Trung Quốc ước tính khoảng 900 triệu người. 500 triệu dân còn lại của quốc gia tỷ dân sống ở các vùng nông thôn. Một dữ liệu công bố bởi chính phủ Trung Quốc cho thấy mỗi cư dân thành thị kiếm được bình quân 43.834 Nhân dân tệ mỗi năm trong năm 2020, trong khi con số này ở nông thôn chỉ là 17.131 Nhân dân tệ. Mặc dù thu nhập của người dân nông thôn về cơ bản đã tăng 82% so với năm 2013, nhanh hơn mức tăng 66% tại thành thị, nhưng chênh lệch về thu nhập thực tế giữa cư dân thành thị và nông thôn đã tăng mạnh lên mức 57% trong giai đoạn 7 năm qua.
Nguyên nhân chính được cho là các vùng nông thôn Trung Quốc có rất ít cơ hội làm việc ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, nông nghiệp ở vùng nông thôn Trung Quốc chủ yếu là các hoạt động manh mún, giá trị gia tăng thấp và khó tăng trưởng. Nhiều người dân đã rời làng quê tới các thành phố lớn làm công nhân nhập cư, với thu nhập trung bình đạt khoảng 4.000 Nhân dân tệ mỗi tháng vào năm 2020, mức thu nhập tốt hơn nhiều so với khi ở nông thôn.
Tuy vậy, mức lương công nhân vẫn thua xa nhân viên văn phòng. Lao động “cổ cồn trắng” ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay các khu công nghiệp đang phát triển ước tính từ 10.000 - 30.000 Nhân dân tệ mỗi tháng, dẫn đến sự bất bình đẳng thu nhập tiếp tục tăng cao giữa công nhân nhập cư và dân văn phòng.
Chuyên gia kinh tế Fumiki Tahara từ Đại học Tokyo nhận định: “Các công ty ở khu vực thành thị Trung Quốc đã xây dựng sự tăng trưởng của họ bằng cách thuê lao động nhập cư từ nông thôn với mức lương rẻ mạt, từ đó giúp Trung Quốc biến thành công xưởng của thế giới… Do đó, khoảng cách thu nhập tại Trung Quốc khó có thể thu hẹp trong tương lai”.