Hà Nội: Dự báo thiếu hụt nguồn cung nhà ở trầm trọng vào năm 2025

26/04/2023 19:17 GMT+7
Trong tương lai, thị trường Hà Nội sẽ có thể thiếu hụt nguồn cung nhà ở tương đương khoảng 95.800 nhà ở khi tỷ lệ đô thị hóa dự kiến sẽ đạt 62% vào năm 2025 và tăng lên 75% vào năm 2030 từ mức 49% hiện nay.

Theo Savills Việt Nam, những khó khăn vẫn tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ tại Hà Nội trong ba tháng đầu năm 2023. Cụ thể, nguồn cung nhà ở sơ cấp tại quý I/ 2023 giảm 4% theo quý và theo năm, đạt 19.483 căn.

Trong đó, nguồn cung nhà ở mới chỉ đạt hơn 2.040 căn hộ tới từ hai dự án mới và giai đoạn tiếp theo của hai dự án, giảm 30% theo quý và 27% theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 52 triệu đồng/m2, ổn định theo quý và tăng 22% theo năm.

Bên cạnh đó, tình trạng mất cân đối nguồn cung nhà ở vẫn tiếp tục diễn ra khi nguồn cầu hiện nay của người dân chủ yếu hướng về các sản phẩm vừa túi tiền thì nguồn cung căn hộ hạng C vẫn ở mức thấp.

Tại thị trường nhà ở, tỷ trọng căn hộ hạng B vẫn là chủ yếu. Cụ thể, 92% nguồn cung nhà ở phân khúc chung cư tại khu vực phía Tây trong quý I/2023 là hạng B và từ năm 2024 trở đi, Hạng B sẽ chiếm tỷ trọng chủ đạo với 60% thị phần nguồn cung tương lai.

Hà Nội: Dự báo thiếu hụt nguồn cung nhà ở trầm trọng vào năm 2025 - Ảnh 1.

Hà Nội được dự báo thiếu hụt nguồn cung là 95.800 nhà ở trong tương lai (Ảnh: TN)

Trái ngược với tình trạng nguồn cung nhà ở khan hiếm, nguồn cầu sẽ có xu hướng gia tăng mạnh trong tương lai. Dự kiến tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội sẽ đạt 62% vào năm 2025 và tăng lên 75% vào năm 2030. Với đà phát triển này, nguồn cầu dự kiến đạt khoảng 426.700 căn. Tuy nhiên, chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội cũng đặt mục tiêu diện tích nhà ở mới là 33,2 triệu m2 sàn từ nay tới năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 29,5m2/người. Các số liệu này cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung là 95.800 nhà ở.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh sẽ tạo ra những tác động tới bức tranh chung về xã hội đối với một thành phố. Việc thiếu hụt nguồn cung nhà ở có khả năng dẫn tới những vấn đề liên quan tới an sinh xã hội như hình thành các khu ổ chuột hay gia tăng các tệ nạn liên quan. Việc này sẽ đặt ra vấn đề cấp thiết mà Chính phủ và thành phố Hà Nội sẽ phải có những bước tính toán cụ thể, từng bước một để giải quyết.

Thêm vào đó, nguồn cung mới hạn chế, số lượng căn hộ bàn giao giảm và giá sơ cấp trung bình neo cao tại mức 52 triệu đồng/m2 đã tạo điều kiện cho giá bán thứ cấp tăng. Từ năm 2018 đến năm 2022, giá sơ cấp trung bình của căn hộ đã tăng 13%/năm, trong khi nguồn cung sơ cấp giảm 14%/năm. Trong quý I/2023, giá sơ cấp trung bình cao hơn giá thứ cấp 48%.

"Từ năm 2020 đến năm 2024, số lượng căn hộ bàn giao giảm 36%/năm, điều này sẽ thúc đẩy nguồn cầu cho thị trường thứ cấp. Không chỉ vậy, thị trường thứ cấp được cho là lựa chọn tối ưu cho người mua không chỉ bởi giá thấp hơn sơ cấp mà còn bởi tính pháp lý rõ ràng của sản phẩm. Những sản phẩm ở thị trường thứ cấp dù đã qua sử dụng nhưng pháp lý minh bạch sẽ thu hút nguồn cầu", bà Hằng chia sẻ.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục