Nguồn cung nhà ở sẽ cải thiện hay vẫn giảm trong năm 2023?

05/02/2023 15:31 GMT+7
Thị trường bất động sản trầm lắng từ nửa sau năm 2022 bởi việc thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến thanh khoản cũng sụt giảm. Nguồn cung nhà ở cũng theo chiều đi xuống, trong khi nhu cầu bất động sản ở thực vẫn rất lớn. Điều này có thể khiến nguồn cung nhà ở năm 2023 khó phục hồi.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về nguồn cung nhà ở năm 2022, cả nước chỉ có 126 dự án (quy mô 55.732 căn hộ) được cấp phép. Số lượng dự án được cấp phép bằng 52,7% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, có 466 dự án bất động sản với quy mô xây dựng 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng, bằng khoảng 47,7% so với năm 2021; và có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng, bằng khoảng 55,2% so với năm 2021. Các chuyên gia cho rằng tình trạng sụt giảm nguồn cung nhà ở trên thị trường bất động sản trong năm 2022, đặc biệt là số dự án được cấp phép sụt giảm sẽ tác động lớn tới nguồn cung nhà ở trong năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết nguồn cung nhà ở năm 2022 chỉ bằng 28% so với năm 2018 với 180.000 sản phẩm được đưa ra thị trường, trong đó rất hiếm các dự án mới mở bán trong năm 2022.

"Trong số lượng hiếm hoi các dự án được phê duyệt, không thấy sự xuất hiện của dự án nhà ở, chỉ thấy phê duyệt các dự án về dịch vụ. Thị trường thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp túi tiền của số đông người dân. Nguồn cung nhà ở, căn hộ bình dân cũng giảm 79% so với năm 2019", ông Đính cho biết.

Theo các chuyên gia nguồn cung nhà ở bị suy giảm là do vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,... Theo đó, nhiều dự án bất động sản bị "đắp chiếu" do các quy định pháp lý mâu thuẫn, chồng chéo tạo rào cản trong thời gian dài. Trong khoảng 2 năm qua, có hàng ngàn dự án đã được các doanh nghiệp triển khai, đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý.

Nguồn cung nhà ở sẽ cải thiện hay vẫn giảm trong năm 2023? - Ảnh 1.

Nguồn cung nhà ở sẽ khó cải thiện trong năm 2023 nếu không tháo gỡ các vướng mắc (Ảnh: TN)

Thị trường tiền tệ vẫn bị thắt chặt tạo dòng tiền khó, đã làm giảm sức mua của thị trường. Chính sách đối với thị trường tài chính chưa ổn định; việc huy động vốn phát triển của doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, càng làm khó thêm cho nguồn cung nhà ở của thị trường. Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn không thể triển khai vì pháp luật chưa gỡ được "nút thắt" về quy trình thủ tục để thu hút chủ đầu tư tham gia.

Theo dự báo của Savills, tại Hà Nội, trong năm 2023, ước tính có 19 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ mở bán với tổng cộng 15.800 căn hộ. Còn tại TP.HCM, các chủ đầu tư địa ốc sẽ trì hoãn việc mở bán mới khoảng 5.000 căn hộ cho đến năm 2023. Do đó, nguồn cung nhà ở tương lai trong năm 2023 ước đạt 8.000 căn, giảm 60% so với năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại TP.HCM nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính … dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo quy định phối hợp liên thông, đồng bộ. Điều này làm khan hiếm dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý để bổ sung thị trường.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, việc tín dụng tiếp tục bị kiểm soát vào bất động sản và các doanh nghiệp bị giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Điều này cũng tác động không nhỏ tới việc xây dựng các dự án bất động sản, ảnh hưởng tới nguồn cung nhà ở mới.

Để thị trường bất động sản "ấm" lên, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các chính sách hướng đến mục tiêu duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho thị trường bất động sản; đẩy nhanh quá trình sửa luật đang tạo rào cản để tháo gỡ các điểm nghẽn của thị trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thế giới, rất cần các chính sách kích hoạt sự phát triển của thị trường bất động sản, làm đòn bẩy thúc đẩy cho các ngành sản xuất đang bị đình trệ. Bên cạnh đó, Tổ công tác của Chính phủ cần sớm đưa ra các kiến nghị cụ thể để tháo gỡ nhanh các nút thắt pháp lý đã và đang tạo rào cản cung cấp nguồn hàng vào thị trường.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục