Bầu cử Mỹ: Vì sao Trump thua Biden?

08/11/2020 01:27 GMT+7
Nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã cướp đi cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump. Nhưng theo ông David Axelrod, nhà bình luận chính trị cấp cao của CNN đồng thời là cựu cố vấn cấp cao dưới thời Tổng thống Barack Obama, đại dịch chỉ là một phần nguyên nhân rất nhỏ.

Cựu cố vấn của ông Obama chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng chính trị của phe Trump không hẳn do đại dịch Covid-19, mà là do những “khiếm khuyết trong tính cách và khả năng lãnh đạo” của chính ngài Tổng thống. “Chính Donald Trump đã đánh bại Donald Trump”.

Bầu cử Mỹ: Vì sao Trump thua Biden? - Ảnh 1.

“Chính Donald Trump đã đánh bại Donald Trump”

“Ngay từ trước đại dịch Covid-19, nhiều người dân Mỹ đã mệt mỏi vì những dòng tweet vô tận, những cơn giận dữ, những thuyết âm mưu và cáo buộc vô căn cứ của Tổng thống. Trong nhiệm kỳ của Trump, sự hỗn loạn ngự trị xung quanh Nhà Trắng, sự thiếu đồng cảm khiến người ta lúng túng, sự thiếu nghiêm túc và vi phạm trắng trợn các quy tắc, chuẩn mực, luật pháp, thể chế cơ bản của nền dân chủ. Hơn thế nữa, chính Trump dường như đã đẩy tình trạng phân biệt chủng tộc và chia rẽ quốc gia lên một tầm cao mới.

Kể từ khi dấn thân vào chính trường Mỹ hồi năm 2015, có lẽ ông Trump đã nhìn thấy con đường đi đến quyền lực tại Nhà Trắng là sự phân chia chủng tộc, văn hóa trên toàn đất nước. Cách làm chính trị cuồng nhiệt của ông Trump ít nhiều đã mang về thành quả. Trong ngày bầu cử Mỹ 3/11 vừa qua, ông Trump đã giành được số phiếu bầu vượt hàng triệu phiếu so với cuộc tranh cử 4 năm về trước. Làn sóng ủng hộ Trump lan đến tận các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn, gây bất ngờ đáng kể so với dữ liệu thăm dò cử tri trước bầu cử.

Nhưng Trump không thoát khỏi định luật thứ ba của Newton, rằng mọi hành động đều mang đến những phản ứng tiêu cực và tích cực. Bên cạnh những cử tri ủng hộ con đường chính trị của Trump, cũng có nhiều người Mỹ quyết tâm chấm dứt nhiệm kỳ đầy bão tố và chia rẽ của ông tại Nhà Trắng. 

Điều này tạo cơ hội cho ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden nổi lên như một “liều thuốc giải”, người xoa dịu quan điểm chính trị cứng rắn của Trump. Ông Biden xây dựng hình tượng như người hàn gắn nước Mỹ chứ không phải thổi bùng những chia rẽ sâu sắc.

Và rồi, vào ngày bầu cử Mỹ 3/11, ông Biden đã tập hợp được một lượng lớn cử tri trung thành từ phụ nữ đến nam giới, từ thanh niên đến cao niên, từ người da màu đến người da trắng... Thậm chí ngay cả các vùng ngoại ô, nơi từng là pháo đài của Đảng Cộng hòa, ưu thế cũng lần lượt nghiêng về Biden. So với ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton 4 năm về trước, Biden đã vượt qua bà Clinton cả về số phiếu cử tri nam giới, cử tri cao tuổi, cử tri da trắng và cử tri thuộc tầng lớp lao động.

Thật khó để tưởng tượng, chỉ vài tháng trước đó, vào đầu năm 2020, cơ hội tái đắc cử của Trump gần như là chắc chắn. Nền kinh tế mạnh mẽ bậc nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nửa thập kỷ chính là bức tường thành vững chắc của Trump. Trump dễ dàng thoát khỏi hàng loạt bê bối, trong đó có nỗ lực luận tội của Đảng Dân chủ. Khi đó, Trump nhiều lần công kích Biden là “ngài Joe buồn ngủ”, và rằng trong suốt 8 năm giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, Biden chẳng làm được gì đáng kể cho nước Mỹ.

Sau đó, dịch Covid-19 bùng phát và nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào khủng hoảng.

Nếu Trump có cách xử lý đại dịch khác đi, tuân theo những khuyến cáo của giới khoa học và các chuyên gia y tế, chiến đấu với đại dịch bằng giọng điệu khiêm tốn và cảm thông hơn, có lẽ người Mỹ vẫn sẽ sát cánh cùng Trump qua khủng hoảng.

Nhưng thay vào đó, ngài Tổng thống tiếp tục sử dụng đại dịch như một cơ hội tấn công Trung Quốc - nguồn gốc phát tán dịch Covid-19, chỉ trích Đảng Dân chủ - những người muốn đóng cửa kinh tế trong thời gian dài để kiểm soát sự lây lan đại dịch, một điều mà Trump cho là không cần thiết. Ông Trump thậm chí còn dẫn đầu cuộc chiến chống lại chính chuyên gia y tế Nhà Trắng Anthony Fauci.

Trump không hy vọng các hạn chế kiểm dịch khiến nền kinh tế Mỹ trì trệ, xóa sạch mọi thành tựu mà ông gây dựng được trong suốt 3 năm đầu nhiệm kỳ. Do đó, sau khi miễn cưỡng chấp nhận đóng cửa nền kinh tế ít lâu, Trump thúc giục mở cửa trở lại ngay từ tháng 5. Kinh tế Mỹ sau đó đã ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 33,1% vào quý III, nhưng sự phục hồi đi kèm với một hậu quả thảm khốc do số ca nhiễm mới Covid-19 tiếp tục tăng vọt. Chỉ tính riêng từ sau ngày bầu cử 3/11, nước Mỹ ghi nhận 3 ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới vượt mốc 100.000. Ít nhất 230.000 người Mỹ đã tử vong vì đại dịch cho đến nay. 

Thêm vào cuộc khủng hoảng đại dịch, khủng hoảng sắc tộc sau cái chết của người Mỹ da màu George Floyd càng thổi bùng những khiếm khuyết của chính quyền Trump. Thay vì tìm cách hàn gắn đất nước, phản ứng của Trump đã thổi bùng hàng loạt cuộc biểu tình đa sắc tộc không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong khi đó, Biden - đối lập với Trump - luôn đưa ra những thông điệp đoàn kết và hòa giải nước Mỹ. Kinh nghiệm gần nửa thế kỷ hoạt động chính trị đã giúp Biden nhận ra những lỗ hổng của chính quyền Trump và từ đó giành lấy sự ủng hộ của người Mỹ.

Và cuối cùng, thời của Joe Biden đã đến!”

(Bài phân tích của David Axelrod, nhà bình luận chính trị cấp cao của CNN, cựu cố vấn cấp cao dưới thời Tổng thống Barack Obama).


NTTD
Cùng chuyên mục