Bị rút tiền hàng loạt được vay "đặc biệt": Làm rõ trách nhiệm của NHNN khi không thu hồi được khoản vay

10/05/2023 07:23 GMT+7
Tại Chương trình Phiên họp thứ 23 chiều 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó nội dung can thiệp sớm, cho vay đặc biệt khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt được quan tâm.

Trình bày tờ trình dự án luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (bổ sung) đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Bị rút tiền hàng loạt được vay "đặc biệt": Làm rõ trách nhiệm của NHNN khi không thu hồi được khoản vay - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Quốc hội)

Cụ thể, theo nội dung của dự án Luật được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình Quốc hội, có 6 trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm, chẳng hạn như: số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ngân hàng bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Với các trường hợp này, một trong những biện pháp hỗ trợ được áp dụng được quy định trong dự án Luật (sửa đổi) đó là, được vay đặc biệt Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng với lãi suất với lãi suất 0%.

Với các tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt, sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể như: Vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, thời hạn tương ứng với thời hạn cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng khác, giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc; không phải thực hiện tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; các khoản cho vay đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn…

Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ TCTD bị rút tiền hàng loạt ở mức nào thì cần phải có sự can thiệp của NHNN, để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

Bên cạnh đó, làm rõ cơ sở đề xuất biện pháp chỉ định cho vay đặc biệt, sự cần thiết của việc hỗ trợ các TCTD cho vay đặc biệt cũng như được chỉ định cho vay đặc biệt; đánh giá tác động của việc cho vay đặc biệt đối với chính các TCTD được chỉ định này. Đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của NHNN và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các biện pháp can thiệp sớm chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn để khắc phục vấn đề trong khi sử dụng gián tiếp nhiều nguồn lực của Nhà nước. Ông Thanh đề nghị NHNN tiếp tục nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp.

Bị rút tiền hàng loạt được vay "đặc biệt": Làm rõ trách nhiệm của NHNN khi không thu hồi được khoản vay - Ảnh 3.

Bị rút tiền hàng loạt có thể được vay "đặc biệt"

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng bày tỏ băn khoăn đối với quy định về khoản cho vay đặc biệt. Theo bà Nga đây là một vấn đề rất quan trọng, có tác động lớn đến nguồn lực kinh tế của đất nước, cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan trình dự án đánh giá một cách toàn diện về việc thực hiện các quy định về khoản cho vay đặc biệt trong thời gian qua như thế nào?

Nêu ý kiến về việc can thiệp sớm tổ chức tín dụng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần nghiên cứu để quy định rõ hơn, chi tiết và cụ thể hơn các trường hợp can thiệp sớm.

Tiếp thu ý kiến, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, đây là vấn đề rất khó. Hiện nay, căn cứ trên thực tiễn các sự vụ phát sinh, dự thảo Luật đang có điều chỉnh phù hợp để khắc phục những hạn chế của luật hiện hành.


H.Anh
Cùng chuyên mục