Biển số xe dán bản đồ Việt Nam thiếu Hoàng Sa, Trường Sa "ngang nhiên" trên đường phố bị xử phạt ra sao?
Cụ thể, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản số 2516/BTTTT-TTĐN về việc xử lý hiện tượng lưu hành sản phẩm bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia. Bộ cũng đã gửi công văn này tới Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Theo Bộ TT&TT, hiện đang có tình trạng nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân, tổ chức có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe, khung biển số xe nhưng không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hơn thế nữa, khung biển số xe ô tô, mô tô, xe gắn máy thiết kế dán sẵn hình bản đồ thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được sản xuất hàng loạt và bán tự do trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố cả nước và một số sàn giao dịch điện tử như Lazada, Shopee… Các khung biển số này có thể dễ dàng lắp ráp vào biển số xe do cơ quan chức năng cấp.
Bộ cũng cho rằng, các phương tiện giao thông có phạm vi lưu thông rộng, tác động thị giác lớn đến người dân và du khách nước ngoài, có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển đảo nên về lâu dài, gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Hiện Bộ TT&TT cũng đã và đang thực hiện các biện pháp chỉ đạo báo chí, định hướng dư luận đấu tranh với hiện tượng này.
Căn cứ theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Nghị định số 18/2020/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, Bộ TT&TT cung cấp thông tin và đề nghị các Bộ phối hợp xử lý các hành vi vi phạm nêu trên theo thẩm quyền.
Được biết, theo Nghị định 18/2020/NĐ-CP (mới có hiệu lực từ 01/4/2020), tại Khoản 2 Điều 11, sẽ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.
Các hành vi xuất bản sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng sẽ bị tịch thu. Đồng thời, yêu cầu buộc cải chính thông tin, sửa chữa dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ; buộc thu hồi dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm (nếu có).
Đối với các cá nhân nước ngoài vi phạm thì sẽ xử lý tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng liên quan đến bản đồ vi phạm chủ quyền lãnh thổ, tháng 10/2019, tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2019 diễn ra ở TP. HCM, một chiếc xe Volkswagen Touareg trưng bày tại triểm lãm có bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trong ứng dụng điều hướng đã được khách hàng thăm quan phát hiện và chụp lại rồi lan truyền trên mạng.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TP. HCM xử lý đối với chiếc ô tô Volkswagen Touareg CR745J. Về hành vi nhập khẩu ô tô cài đặt phần mềm navigator (ứng dụng điều hướng) do Công ty TNHH ô tô Thế giới thực hiện, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
Đối với hành vi tự ý thay đổi nguyên trạng hàng hóa tạm nhập - tái xuất (tự ý can thiệp tắt chức năng định vị...) của công ty này sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Về hành vi trưng bày chiếc ô tô do Công ty TNHH ô tô VW Việt Nam thực hiện, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.