Giá vàng hôm nay 19/4: Tăng phiên thứ 10 liên tiếp, vàng liệu có giảm sau khi Chính phủ vào cuộc

Nam Hải
19/04/2025 08:26 GMT +7
Giá vàng thế giới hôm nay 19/4 tiếp tục tăng mạnh bất chấp áp lực chốt lời, lập kỷ lục phiên tăng thứ 10 liên tiếp.

Giá vàng hôm nay trên thế giới 19/4: Tăng mạnh bất chấp áp lực chốt lời

Kết thúc tuần giao dịch ngày 19/4, giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng hơn 2,79%, tương đương khoảng 90 USD/ounce, bất chấp áp lực điều chỉnh và tâm lý chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh. Vàng giao ngay (XAU/USD) hiện giao dịch quanh mức 3.326 USD/ounce, sau khi chạm đỉnh lịch sử mới tại 3.358 USD trong tuần.

Đà tăng của vàng trong tuần qua chủ yếu được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm ở ngưỡng 99,49 điểm trên chỉ số DXY. Sự bất ổn xoay quanh chính sách thương mại của Mỹ, cùng với rủi ro địa chính trị đang gia tăng, đã tiếp tục củng cố vị thế của vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Mặc dù vàng đã chịu áp lực điều chỉnh sau phát biểu mang tính "diều hâu" của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào giữa tuần, các chuyên gia vẫn đánh giá xu hướng tăng của kim loại quý này chưa bị phá vỡ. Ông Powell cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang tiến gần đến một kịch bản stagflation – tức tăng trưởng yếu đi kèm lạm phát cao – và cho biết Fed sẽ tiếp tục giữ chính sách tiền tệ ở mức hạn chế để kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, phát biểu mới nhất của Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, Mary Daly, cũng cho thấy quan điểm cứng rắn tương tự. Bà cho rằng lãi suất hiện tại vẫn đang gây áp lực giảm lạm phát, nhưng đồng thời gợi ý mức lãi suất trung lập đang có xu hướng tăng – dấu hiệu cho thấy lãi suất có thể duy trì ở mức cao lâu hơn kỳ vọng của thị trường.

Các chuyên gia như David Morrison (Trade Nation) và Ole Hansen (Saxo Bank) nhận định vàng hiện đang trong vùng “quá mua” và có thể điều chỉnh trong ngắn hạn, với các mức hỗ trợ quan trọng gồm 3.300 – 3.245 – 3.167 và 3.000 USD/ounce. Tuy nhiên, họ cũng đồng thuận rằng áp lực bán hiện tại vẫn chưa đủ để đảo chiều xu hướng tăng trong trung hạn, đặc biệt khi đồng USD còn yếu và các bất ổn toàn cầu chưa được giải quyết.

Lukman Otunuga (FXTM) cho rằng giá vàng hiện đã tăng tới 28% tính từ đầu năm, vượt xa mức tăng 24% của cả năm 2024, phản ánh nhu cầu trú ẩn cực mạnh trong bối cảnh lo ngại suy thoái và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, ông cảnh báo thị trường có thể cần một pha điều chỉnh kỹ thuật, trước khi xác lập đà tăng mới lên các mốc như 3.400 USD, 3.450 USD và 3.500 USD.

Tuần tới, nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý đến một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng tại Mỹ gồm PMI sơ bộ tháng 4 (thứ Tư), đơn hàng lâu bền và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần (thứ Năm), cùng doanh số bán nhà hiện có. Với các thị trường quốc tế nghỉ lễ kéo dài đến thứ Hai, giá vàng có thể giao dịch giằng co đầu tuần trước khi xác định hướng đi rõ ràng hơn từ các tín hiệu kinh tế.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng bất kỳ đợt giảm giá nào của vàng cũng có thể là cơ hội mua vào nếu đồng USD tiếp tục suy yếu, đặc biệt khi những lo ngại về chính sách tiền tệ và thương mại toàn cầu chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Giá vàng hôm nay trong nước 19/4: Tăng phiên thứ 10 liên tiếp

Trong phiên giao dịch ngày 18/4, giá vàng trong nước tiếp tục chuỗi tăng ấn tượng, đánh dấu phiên tăng thứ 10 liên tiếp với mức tăng mạnh ở cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Giá vàng bán ra tại nhiều hệ thống đã chạm ngưỡng 120 triệu đồng/lượng – mức cao lịch sử. Tuy nhiên, thị trường bất ngờ đảo chiều vào cuối ngày sau khi Văn phòng Chính phủ phát đi chỉ đạo nóng từ Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp bình ổn thị trường vàng.

Cụ thể, tại Tập đoàn Doji, giá vàng miếng SJC ở Hà Nội và TP.HCM được niêm yết trong ngày ở mức 117 – 120 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 2 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước đó. Mức chênh lệch giữ ở mức 3 triệu đồng/lượng.

Các đơn vị khác như Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý cũng điều chỉnh theo xu hướng tương tự. Vàng nhẫn và vàng trang sức 999,9 đồng loạt tăng giá, với biên độ tăng từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch phổ biến trong vùng 115 – 119,5 triệu đồng/lượng tùy loại và thương hiệu.

Tuy nhiên, từ khoảng 18 giờ 30 cùng ngày, thị trường ghi nhận một diễn biến bất ngờ: các doanh nghiệp vàng lớn đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng sau chỉ đạo từ Chính phủ. Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình thị trường tài chính, vàng và ngoại hối trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cần triển khai ngay các biện pháp bình ổn thị trường vàng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như thao túng, đầu cơ, làm giá và ổn định tâm lý xã hội.

Ngay trong sáng 19/4, Công ty Mi Hồng tại TP.HCM đã niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 115 triệu đồng/lượng (mua vào) và 119 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tới 2 triệu đồng so với sáng ngày 18/4. Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 cũng giảm tương đương, còn 111,5 triệu đồng/lượng mua vào và 115 triệu đồng/lượng bán ra.

Tại Hà Tĩnh, Vàng bạc Mai Xuân niêm yết giá vàng 9999 ở mức mua vào 11,29 triệu đồng/chỉ và bán ra 11,38 triệu đồng/chỉ. Trong khi đó, các công ty vàng lớn như PNJ, SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải vẫn duy trì giao dịch quanh mức 117 – 120 triệu đồng/lượng.

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ có động thái mạnh tay với thị trường vàng. Trước đó, vào tháng 4/2024, khi giá vàng trong nước liên tục tăng sốc, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá. Kết quả là giá vàng đã nhanh chóng lao dốc chỉ vài ngày sau đó.

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều rủi ro, dòng tiền nhàn rỗi tiếp tục đổ vào vàng như một lựa chọn trú ẩn. Tuy nhiên, với sự can thiệp mạnh mẽ từ Chính phủ, giới đầu tư được khuyến cáo nên cẩn trọng và theo dõi sát các động thái điều hành để đưa ra quyết định phù hợp, tránh tâm lý đầu cơ theo đám đông dễ dẫn đến rủi ro tài chính.