Startup giao hàng Loship của Việt Nam muốn IPO tại Mỹ vào năm 2024

13/08/2021 15:59 GMT+7
Công ty khởi nghiệp giao hàng Loship đang đặt mục tiêu trở thành nhà khởi nghiệp Việt Nam đầu tiên trong khoảng 1 thập kỷ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, trích lời CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung.

Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung cho hay công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam có tham vọng sẽ đạt lợi nhuận trong vòng 18-24 tháng trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào năm 2024.

Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý lĩnh vực công nghệ, các nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn vào thị trường khởi nghiệp công nghệ tiềm năng của Ấn Độ và Đông Nam Á, qua đó thúc đẩy các công ty khởi nghiệp vẫn đang thua lỗ như Grab hay Zomato đạt mức định giá kỷ lục. Loship, hãng khởi nghiệp giao hàng có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa huy động được 12 triệu USD từ quỹ BAce Capital do Ant Group hậu thuẫn sau vòng gọi vốn gần đây. 

Với 2 triệu khách hàng nội địa, Loship cũng như nhiều hãng khởi nghiệp công nghệ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam đang đối diện với thách thức lớn khi đợt bùng phát dịch Covid-19 gần nhất buộc chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế kiểm dịch như giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Dù vậy, CEO Nguyễn Hoàng Trung, người đồng sáng lập Loship tự tin rằng hãng startup giao hàng của Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn hiện tại trước khi mở rộng thị phần bằng cách nhắm vào các đơn hàng có biên lợi nhuận cao, học hỏi chiến lược của các công ty giao hàng công nghệ Trung Quốc.

Startup giao hàng Loship của Việt Nam muốn IPO tại Mỹ vào năm 2024 - Ảnh 1.

CEO, nhà đồng sáng lập Loship Nguyễn Hoàng Trung (Ảnh: Loship)

Tại thị trường cạnh tranh gay gắt như Việt Nam, Loship phải chạy đua với hàng chục đối thủ từ Ahamove do Temasek hậu thuẫn đến những gã khổng lồ giao hàng công nghệ trong khu vực như Grab hay Gojek. “Chúng tôi đang đối mặt với thực trạng thiếu tài xế, nhưng các đối thủ của chúng tôi cũng vậy. Đây là cơ hội để chúng tôi cạnh tranh trong cuộc đua khốc liệt này” - CEO 29 tuổi cho hay.

Cùng với BAce Capital, vòng huy động vốn re-series C của Loship hồi tuần trước còn nhận được sự hưởng ứng của hàng loạt nhà đầu tư trong đó có Sun Hung Kai & Co, một công ty đã niêm yết tại Hong Kong. Theo báo cáo của DealStreetAsia, vòng gọi vốn này đã giúp nâng định giá của Loship lên tới 100 triệu USD. CEO Nguyễn Hoàng Trung hiện từ chối bình luận về mức định giá này. 

Theo CEO Loship, đại dịch Covid-19 đã đưa nhiều người dùng thay đổi hành vi mua sắm và giao hàng bằng cách lần đầu chuyển sang sử dụng các nền tảng Internet. Và sau khi đại dịch qua đi, những người dùng này sẽ tiếp tục tìm đến các ứng dụng như Loship.

Phần lớn hoạt động kinh doanh của Loship hiện là lảng giao hàng tạp hóa và giao đồ ăn. Ngoài ra, ứng dụng này cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển hoa, thuốc và các mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao khác từ kho đến thẳng người mua hàng. 

Một chiến lược tăng trưởng khác được đề xuất bởi BAce Capital cho Loship dựa trên kinh nghiệm hoạt động tại thị trường Trung Quốc là thêm các trò chơi vào ứng dụng, tương tự như việc sàn thương mại điện tử Pinduoduo cập nhật tính năng chơi game online nhằm giữ chân người dùng. CEO Nguyễn Hoàng Trung ví loại hình này như một siêu thị, trong đó người dùng sẽ tùy chọn sử dụng các tính năng khác nhau như dịch vụ mua sắm hay chơi trò chơi… Momo, ví điện tử lớn bậc nhất Việt Nam cũng đang tìm đến chiến lược tương tự.

Không riêng Loship, nhiều hãng khởi nghiệp công nghệ trong khu vực cũng đang tìm cách niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Chẳng hạn, Grab đang lên kế hoạch hoàn tất thỏa thuận sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) của Mỹ là Altimeter Growth vào cuối năm nay để niêm yết trên Nasdaq. Hay gần đây, tờ DealStreetAsia đưa tin một gần đây, SPAC có trụ sở tại Mỹ đã tiếp cận Tiki, một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.


NTTD
Cùng chuyên mục