VNG xem xét IPO tại Mỹ thông qua SPAC: Nhiều 'kỳ lân' Đông Nam Á cũng chọn cách tương tự

14/08/2021 17:35 GMT+7
VNG không phải kỳ lân công nghệ duy nhất của Đông Nam Á đang xem xét kế hoạch IPO tại Mỹ thông qua SPAC. Nhiều ông lớn công nghệ khác như Grab của Singapore hay GoTo và Traveloka của Indonesia cũng đang thảo luận về các phương án như vậy.

VNG thuê cố vấn xem xét thương vụ SPAC, tiến tới IPO tại Mỹ

Tờ Bloomberg mới đây cho hay ông lớn công nghệ Việt Nam VNG (Vinagame) đang xem xét thương vụ sáp nhập với một công ty séc trắng (công ty mua lại có mục đích đặc biệt - SPAC) của Mỹ với mức định giá khoảng 2-3 tỷ USD để tiến tới ra mắt trên sàn chứng khoán New York, Mỹ.

SPAC là các công ty vỏ bọc, hoạt động nhằm sáp nhập với một doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động với mục tiêu niêm yết trên sàn giao dịch để huy động vốn thông qua các thương vụ IPO. Từ năm ngoái đến nay là thời điểm làn sóng SPAC nở rộ trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Báo cáo của Bloomberg cho hay VNG đang làm việc với các cố vấn tài chính nhằm thảo luận về thương vụ SPAC tiềm năng này. Dù rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra, không loại trừ khả năng ông lớn công nghệ Việt Nam sẽ theo đuổi các lựa chọn khác để IPO tại Mỹ ngoài con đường sáp nhập với SPAC.

VNG được thành lập vào năm 2004 với tư cách nhà phát hành và phát triển trò chơi trực tuyến có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. VNG được World Starup Report bình chọn là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam vào năm 2014. 5 năm sau, vào tháng 3/2019, khoản đầu tư lớn của Temasek (Singapore) đã nâng mức định giá của VNG lên tới 2,2 tỷ USD.

VNG xem xét IPO tại Mỹ thông qua SPAC: nhiều 'kỳ lân' Đông Nam Á cũng chọn cách tương tự - Ảnh 1.

VNG từng ký biên bản ghi nhớ niêm yết với sàn Nasdaq vào năm 2017 (Ảnh: Nasdaq)

Theo một văn bản pháp lý của VNG hồi tháng 6 năm nay, các nhà đầu tư đứng sau tập đoàn này bao gồm Tenacious Bulldog Holdings Limited (22,15%), Prosperous Prince Enterprises Limited (7,5%), quỹ GS Treasure Sarl trực thuộc Goldman Sachs (3,4%), quỹ Setelar Investment Pte Ltd trực thuộc Temasek (4,9%), Gamvest Pte Ltd của GIC (7,84%), Quỹ Mirae Asset Innovative Growth Fund & Mirae Asset Vietnam (1,38%) và nhiều cổ đông cá nhân khác.

Năm 2017, VNG từng có kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ, nhưng sau đó thương vụ này đã bị trì hoãn. Tờ DealStreetAsia cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn, trong đó có các trở ngại liên quan đến quy định pháp lý.

Năm ngoái, VNG bắt đầu đẩy mạnh mảng kinh doanh game song song với phát triển dịch vụ đám mây bên cạnh mở rộng nền tảng mạng xã hội Zalo và một số dịch vụ Internet khác. VNG hiện cũng nắm giữ khoản đầu tư vào Tiki, một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện đang thu hút sự quan tâm của một số SPAC để niêm yết tại Mỹ. 

Đáng chú ý, VNG không phải kỳ lân công nghệ duy nhất của Đông Nam Á đang xem xét kế hoạch IPO tại Mỹ thông qua SPAC. Nhiều ông lớn công nghệ khác như Grab của Singapore hay GoTo và Traveloka của Indonesia cũng đang thảo luận về các phương án như vậy.

Grab muốn hoàn tất thỏa thuận SPAC vào cuối năm nay để IPO tại Mỹ

Là một trong những kỳ lân khởi nghiệp công nghệ lớn nhất Đông Nam Á, Grab hiện đã mở rộng hoạt động ra hàng loạt lĩnh vực từ đặt xe, giao đồ ăn cho đến thanh toán di động. Hiện Grab được hậu thuẫn bởi 4 cổ đông chính bao gồm SoftBank Vision Fund, Uber Technologies, Didi Chuxing và Toyota Motor. Hàng loạt vòng gọi vốn thành công rực rỡ đã nâng định giá Grab lên mức 39,6 tỷ USD.

Hồi tháng 4 năm nay, Grab lần đầu tiết lộ kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ thông qua thương vụ sáp nhập với SPAC Altimeter Growth trực thuộc tập đoàn Altimeter Capital Management có trụ sở tại Thung lũng Silicon.

Thương vụ này sau đó bị trì hoãn đến quý IV năm nay do Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) thắt chặt giám sát hoạt động SPAC, khiến Grab phải hoàn tất công tác kiểm toán tình hình tài chính trong 3 năm gần nhất. Chủ tịch Grab Ming Maa cho biết hôm 2/8: “Chúng tôi vẫn đang trên đà hoàn tất đề xuất sáp nhập với Altimeter Growth Corp. vào cuối năm nay". 

VNG xem xét IPO tại Mỹ thông qua SPAC: nhiều 'kỳ lân' Đông Nam Á cũng chọn cách tương tự - Ảnh 2.

Grab đang thúc đẩy thương vụ SPAC vứi Altimeter Growth để IPO tại Mỹ (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Traveloka thúc đẩy kế hoạch SPAC trong năm nay

Traveloka, một startup công nghệ nổi tiếng khác của Indonesia cũng đang xem xét kế hoạch IPO tại Mỹ thông qua Bridgetown Holdings Ltd. - một SPAC được hậu thuẫn bởi tỷ phú đầu tư công nghệ nổi tiếng Peter Thiel và doanh nhân Hong Kong Richard Li, một người quen thuộc với các thương vụ IPO qua SPAC, theo nguồn tin hồi đầu tháng này của Bloomberg.

Theo đó, Traveloka đang đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để huy động khoảng 400 triệu USD như một phần trong kế hoạch IPO tại Mỹ. Thương vụ sáp nhập giữa ứng dụng du lịch có trụ sở tại Jakarta với Bridgetown Holdings Ltd được dự đoán có giá trị khoảng 5 tỷ USD, có khả năng được hoàn tất ngay trong năm nay.

Nếu sáp nhập thành công với Bridgetown, Traveloka sẽ trở thành một trong những kỳ lân đầu tiên ở Đông Nam Á IPO thành công trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua SPAC. 

Được thành lập vào năm 2012, Traveloka hiện đã mở rộng hoạt động ra 6 quốc gia tại Đông Nam Á và Australia. Công ty cung cấp ứng dụng giúp người dùng đặt vé máy bay và khách sạn trực tuyến tại nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó giúp các chuyến du lịch trở nên dễ dàng hơn. Traveloka hiện cũng đang tìm cách cung cấp các dịch vụ bổ sung như tài chính, phong cách sống...

Về phía Bridgetown, vào tháng 10 năm ngoái, SPAC này đã huy động được 595 triệu USD trong đợt IPO lần đầu tại Mỹ với sự hậu thuẫn của hàng loạt nhà đầu tư danh tiếng như Thiel Capital - công ty đầu tư cá nhân của tỷ phú Peter Thiel có trụ sở tại Los Angeles và  Pacific Century Group, một công ty đầu tư có trụ sở tại Hong Kong của tỷ phú Richard Li.

GoTo cũng xem xét phương án IPO tại Mỹ qua SPAC

GoTo là tập đoàn được hình thành bởi thương vụ sáp nhập hai trong số các công ty công nghệ lớn nhất Indonesia: Tokopedia và Gojek. Vụ sáp nhập được cho là lớn nhất trong lịch sử Indonesia vào năm ngoái đã giúp hình thành GoTo - doanh nghiệp công nghệ lớn nhất đất nước với tổng giá trị giao dịch trong năm 2020 lên tới hơn 22 tỷ USD. 

Nền tảng này sở hữu hơn 11 triệu đối tác thương mại, hơn 100 triệu người dùng hoạt động hàng ngày và hơn 2 triệu tài xế giao hàng tại hàng loạt thị trường Đông Nam Á tiềm năng bao gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Theo Barron’s, GoTo ước tính sẽ đóng góp tới 2% tổng GDP Indonesia.

Chủ tịch GoTo Patrick Cao xác nhận tập đoàn này dự kiến sẽ IPO vào cuối năm nay, với khả năng cao sẽ tiến hành niêm yết kép tại sàn New York của Mỹ cũng như sàn giao dịch chứng khoán quê nhà Indonesia, với mức định giá mục tiêu trong khoảng 35-40 tỷ USD.

Hiện GoTo vẫn đang thảo luận về việc IPO theo hình thức thông thường hay thông qua sáp nhập với SPAC. Trước đó, Tokopedia cũng nhận được lời đề nghị hợp tác từ Bridgetown Holdings, SPAC trị giá 595 triệu USD được hậu thuẫn bởi hai tỷ phú Peter Thiel và Richard Li.


NTTD
Cùng chuyên mục