TTCK Trung Quốc đại lục bùng nổ bởi hàng loạt thương vụ IPO 'khủng'
Trong khi Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải đang đứng trước 2 đợt IPO được đánh giá là lớn kỷ lục trong năm nay thì tại Hong Kong, nơi từng được mệnh danh là trung tâm của các đợt IPO toàn cầu, tình hình lại lặng lẽ hơn nhiều. Sàn Hong Kong chỉ mới báo cáo một thương vụ IPO trong tháng này. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư quốc tế, những người tìm đến sàn Hong Kong như một cửa ngõ để tiếp cận thị trường chứng khoán Trung Quốc, đang ngày càng quan ngại về rủi ro gia tăng do Bắc Kinh siết chặt quản lý với hàng loạt lĩnh vực từ công nghệ, giáo dục cho đến bất động sản.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục được hưởng lợi từ sự khuyến khích của chính phủ Bắc Kinh trong việc phát triển các sàn giao dịch nội địa. Mới đây, 3 nhà khai thác viễn thông quốc doanh hàng đầu đất nước đã quay trở lại, thúc đẩy kế hoạch niêm yết trên sàn Thượng Hải sau khi bị hủy niêm yết tại Mỹ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ Trung leo thang.
China Telecom, một trong các nhà mạng viễn thông lớn nhất Trung Quốc là một minh chứng tiêu biểu cho làn sóng IPO tại Trung Quốc đại lục. Sau khi bị hủy niêm yết tại Mỹ hồi tháng 1 năm nay, China Telecom đang đặt mục tiêu huy động 47,1 tỷ nhân dân tệ (7,3 tỷ USD) thông qua đợt IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào tuần tới.
Syngenta Group, doanh nghiệp hạt giống và phân bón thuộc sở hữu của China National Chemical Corp, cũng đang chuẩn bị cho đợt IPO với mục tiêu huy động 65 tỷ nhân dân tệ (10 tỷ USD) trên sàn giao dịch công nghệ STAR Market tại Thượng Hải. Sàn STAR là một phiên bản khác tương tự sàn giao dịch công nghệ Nasdaq của Mỹ mà chính phủ Bắc Kinh kỳ vọng sẽ giúp thu hút các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại quê nhà.
Nếu hai thương vụ này diễn ra thành công đúng như mục tiêu, số tiền huy động được từ các đợt IPO trong năm nay tại thị trường vốn Trung Quốc đại lục có thể sẽ tăng lên khoảng 59 tỷ USD, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Bloomberg cũng cho hay số tiền mà các doanh nghiệp Trung Quốc huy động được từ thị trường trong nước trong năm nay đã tăng lên mức kỷ lục trong 11 năm gần nhất, trong khi số thương vụ IPO (320 thương vụ) cũng là mức cao chưa từng có.
Mặc dù tại Hong Kong, các giao dịch IPO đang có xu hướng chậm lại trong vài tuần gần đây; nhưng nếu xét chung từ đầu năm đến nay, tình hình vẫn tương đối lạc quan. Sàn Hong Kong đã ghi nhận 65 thương vụ IPO từ đầu năm đến nay, huy động được 34,6 tỷ USD, một con số kỷ lục so với cùng kỳ các năm về trước.
Jian Shi Cortesi, Giám đốc đầu tư thị trường chứng khoán Trung Quốc và Châu Á tại GAM Investments nhận định: “Thị trường chứng khoán nội địa Trung Quốc đã hoạt động mạnh mẽ trong hai năm qua. Các cơ quan quản lý cũng tạo điều kiện IPO dễ dàng hơn thông qua việc ra mắt sàn STAR tại Thượng Hải vào năm 2019”.
CSI 300, chỉ số của 300 cổ phiếu lớn nhất niêm yết trên các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc, đã tăng 35% trong hai năm qua. Mức tăng này lớn hơn nhiều so với con số 4% của chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong.
Theo nhà phân tích Ken Chen từ KGI Securities, các đợt siết chặt quy định dồn dập của Bắc Kinh có thể gây tổn hại đến kế hoạch IPO của nhiều doanh nghiệp trong một số ngành cụ thể, chẳng hạn như giáo dục. Tuy nhiên, tác động tổng thể sẽ được hạn chế do các đợt IPO nở rộ trong những lĩnh vực được chính phủ ưu ái. Chẳng hạn, thương vụ IPO khủng được kỳ vọng sắp tới của China Telecom và Syngenta đều không nằm trong tầm ngắm của chính phủ.