[Biz Insider] "Giải mã" cách FE Credit tạo ra hơn nửa tỷ USD lợi nhuận chỉ trong 3 năm

16/05/2021 14:06 GMT+7
Cơn khát của thị trường tài chính tiêu dùng được "làm mát" với sự xuất hiện của FE Credit. Kết quả là chỉ sau thời gian ngắn, FE Credit trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho VPBank, mang về gần 12.300 tỷ đồng lợi nhuận giai đoạn 2018 - 2020.

Giải mã hiện tượng FE Credit

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản. Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD. Một con số khá "bất ngờ" với giới tài chính Việt Nam, và là mức định giá khủng nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC, FE Credit) được hình thành vào năm 2010 – bộ phận tín dụng tiêu dùng của VPBank. Năm 2015, VPB FC vận hành hoàn toàn theo mô hình công ty con của VPBank sau khi VPBank mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam và chuyển mảng hoạt động tài chính tiêu dùng của VPBank sang cho công ty mới. Từ đây, FE Credit thương hiệu mới của VPB FC ra đời. Ở thời điểm thành lập công ty, FE Credit có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của FE Credit là 7.328 tỷ đồng.

[Biz Insider] "Giải mã "cách FE Credit tạo ra hơn nửa tỷ USD lợi nhuận chỉ trong 3 năm - Ảnh 1.

Vốn điều lệ của FE Credit đi ngang trong 3 năm 2018 - 2020.

Năm 2015, FE Credit bắt đầu phối hợp với McKinsey để phác thảo chiến lược và lộ trình hoạt động cho giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời thực hiện một số sáng kiến cần thiết để nâng tầm FE Credit trở thành công ty hàng đầu trong nước, cũng như trong khu vực.

Năm 2020 đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển FE Credit. Trong suốt 10 năm qua, FE Credit liên tục giữ vững vị trí số 1 uy tín trong ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam với hơn 50% thị phần. Cùng với đó, FE Credit được đánh giá có lộ trình phát triển bền vững và khả năng thích ứng linh hoạt trước các biến động của thị trường, đặc biệt dịch bệnh Covid -19; và hơn hết FE Credit đã chủ động tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng cho thị trường tài chính tiêu dùng.

Dữ liệu thu thập được cho thấy, chỉ tính trong 3 năm 2018 – 2020, FE Credit tạo ra hơn 500 triệu USD lợi nhuận trước thuế và hơn 420 triệu USD lợi nhuận sau thuế. Ngoại trừ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, trước đó, FE Credit có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng. Điều gì đã giúp cho FE Credit bứt tốc mạnh mẽ trong thời gian qua?

Trả lời cổ đông tại kỳ họp thường niên năm 2019, lãnh đạo VPBank từng chia sẻ: FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng lớn và đa dạng, cả về khía cạnh sản phẩm và phân phối, được hỗ trợ bởi nền tảng quản lý rủi ro và công nghệ mạnh mẽ, tạo lập từ một trong những đội ngũ quản lý tốt nhất trong ngành dịch vụ tài chính.

[Biz Insider] "Giải mã "cách FE Credit tạo ra hơn nửa tỷ USD lợi nhuận chỉ trong 3 năm - Ảnh 2.

Nguồn: Số liệu FiinResearch

Trước đó, tại kỳ họp thường niên năm 2018, lãnh đạo VPBank cho biết, FE Credit ngoài thế mạnh từ mô hình hoá sản phẩm dịch vụ, hệ thống đo lường và đánh giá khách hàng, hệ thống, mô hình thu hồi nợ phù hợp. FE Credit còn xây dựng được một nền tảng nguồn vốn trung dài hạn lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế và trong nước phụ vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Dữ liệu cho thấy, Năm 2016, FE Credit nhận khoản vay hợp vốn giá trị 100 triệu USD từ Credit Suisse.

Thực tế cho thấy rằng, năm 2019, mô hình kinh doanh của FE Credit được thay đổi theo hướng tập trung hoá vào các trung tâm kinh doanh chuyên biệt. VPBank đánh giá, mô hình mới đã tạo động lực thúc đẩy năng suất bán tăng hơn 30% so với năm 2018 và đem lại tăng trưởng nhuận hơn 1,2 lần trong năm 2019.

FE Credit cũng đã triển khai thành công như: Big Data; tự động hoá quy trình bằng Robot (RPA) nhằm tối ưu năng suất lao động và nâng cao trải nghiệm dịch vụ; $NAP, nền tảng cho vay hoàn toàn tự động, tích hợp các công nghệ đột phá mới nhất như trí tuệ nhân tạo AI, tự động nhận dạng chữ viết, khuôn mặt, giọng nói…. $NAP cho phép FE Credit hoàn tất quy trình xác minh khách hàng và duyệt vay chỉ trong 15 phút mà không cần bất kỳ sự tương tác nào của con người.

[Biz Insider] "Giải mã "cách FE Credit tạo ra hơn nửa tỷ USD lợi nhuận chỉ trong 3 năm - Ảnh 3.

Ba gói tiêu dùng tín chấp chính của Fe Credit: vay tiêu dùng cá nhân, vay mua xe máy trả góp, vay mua hàng gia dụng trả góp. Nguồn: Số liệu báo cáo nhà đầu tư của SMBC

Giới chuyên môn cho rằng, quản trị rủi ro hiệu quả đã giúp cho Fe Credit mạnh dạn trong lựa chọn đối tượng khách hàng ở các phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ, như nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương; cũng như đánh mạnh vào phân khúc cho vay tín chấp tiền mặt, mảng kinh doanh mà nhiều bên bỏ qua vì sợ rủi ro.

Từ năm 2021, FE Credit đang tăng tốc mở rộng hệ sinh thái tài chính của mình qua các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng như Ubank, Smartpay hay $HIELD để tiếp cận gần hơn với tập khách hàng trung cấp và cận cao cấp.

3 năm FE Credit tạo ra hơn 500 triệu USD lợi nhuận trước thuế

Số liệu thống kê của World Bank, FiinResearch cho thấy, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng năm 2019 lên đến 1.681 nghìn tỷ VNĐ, tăng trưởng bình quân 35,2%/năm cho giai đoạn 5 năm 2015 – 2019. Đây là một lợi thế quan trọng để FE Credit tăng trưởng kinh doanh.

[Biz Insider] "Giải mã "cách FE Credit tạo ra hơn nửa tỷ USD lợi nhuận chỉ trong 3 năm - Ảnh 4.

Nguồn: Số liệu World Bank, FiinResearch

Báo cáo thường niên của VPBank cho biết, năm 2020, FE Credit đang nắm giữ khoảng 55% thị phần cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, bỏ xa tổ chức tài chính tiêu dùng xếp thứ 2 và 3 về thị phần. Trong giai đoạn 2017-2019, FE Credit đóng góp 45-50% trong tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank. Chỉ tính trong 3 năm 2018 – 2020, FE Credit tạo ra khoảng 12.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 531 triệu USD lợi nhuận trước thuế và hơn 420 triệu USD lợi nhuận sau thuế.

[Biz Insider] "Giải mã "cách FE Credit tạo ra hơn nửa tỷ USD lợi nhuận chỉ trong 3 năm - Ảnh 5.

Chỉ tính trong 3 năm 2018 – 2020, FE Credit tạo ra khoảng 12.300 tỷ đồng lợi nhuận

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của FE Credit đạt 73.390 tỷ đồng (gần 3,2 tỷ USD); vốn chủ sở hữu đạt 657 triệu USD; dư nợ cho vay khách hàng gần 2,8 tỷ USD.

Tỷ lệ nợ xấu trong 3 năm 2018 – 2020 kiểm soát quanh mức 6%, riêng năm 2020 nợ xấu của FE Credit có thể tăng nhẹ. Báo cáo của SBMC gửi đến các nhà đầu tư của mình cho biết, nợ xấu của FE Credit trong 3 năm 2018 – 2019 – 2020 lần lượt là 6,4% - 6,2% và 6,6%. Tuy nhiên, báo cáo của VPBank cho biết, năm 2018, 2019 nợ xấu của FE Credit lần lượt 6% và 5,6%.

Và FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ sinh lời tốt nhất hệ thống công ty tài chính, ROAA và ROAE năm 2020 lần lượt đạt 4,2% và 26,9%, luôn cao gấp 2 lần so với trung bình các công ty tài chính.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đấy đã bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC với giá 1,4 tỷ USD, một trong những thương vụ "khủng" nhất ngành ngân hàng trong những năm trở lại đây.

Mức định giá của FE Credit rơi vào khoảng 2,8 tỷ USD đang cao hơn so với nhiều ngân hàng tầm trung tại Việt Nam như VIB, HDBank, SHB, OCB…

Theo tính toán từ FiinGroup (Công ty chuyên về dữ liệu tài chính), định giá của FE tương ứng mức 3,4x P/B, 22x P/E và 0,9x Loan Book (Giá trị cổ phiếu trên dư nợ).

P/B của FE Credit cao hơn gần 40% so với bình quân các giao dịch tương đồng đã diễn ra trong quá khứ. Mức giá này cũng cao hơn mặt bằng định giá của cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam hiện có bình quân P/B 1,79x và P/E 16x

Quang Dân - Hồng Quân
Cùng chuyên mục