[Biz Insider] Vì đâu Thủy sản Bến Tre (ABT) rớt khỏi Top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Việt Nam?

02/08/2021 06:30 GMT+7
Sau khi Tập đoàn PAN nắm quyền chi phối, 3 năm sau, ABT "biến mất" Top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Viêt Nam và nhiều năm kết quả kinh doanh phụ thuộc lớn vào cổ tức nhận được từ Fimex VN.

Về tay Pan, Thủy sản Bến Tre bị đá văng ra top 100 DN thủy sản lớn nhất Việt Nam

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với lãi ròng chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm đến 89% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm do ABT không còn nhận cổ tức của CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN, HOSE: FMC) với số tiền hơn 8 tỷ đồng như cùng kỳ năm 2020.

Dù vậy, nhờ khoản cổ tức được Fimex VN chia trong quý I/2021, lũy kế 6 tháng đầu năm, Thủy sản Bến Tre đạt hơn 18 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 66,9% so với 6 tháng đầu 2020, qua đó hoàn thành hơn 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Năm 2020, cả doanh thu và lợi nhuận của ABT đều "đi lùi" khi lần lượt giảm 12% và 68% so với năm 2019, trong đó, 50% lợi nhuận đến từ hoạt động tài chính và khác.

Kết quả kinh doanh của ABT liên tục lao dốc kể từ năm 2016, ngoại trừ năm 2018. Cũng lưu ý rằng, từ năm 2016 đến nay, ABT không còn nằm trong Top 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam.

[Biz Insider] "Hé lộ" mảng màu tối PAN vẽ trong bức tranh kinh tế của Thủy sản Bến Tre (ABT) - Ảnh 1.

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre. Ảnh: ABT

CTCP Xuyên Thái Bình Dương (HOSE: PAN), một doanh nghiệp với "chất" mới đến từ các nhà đầu tư tài chính, bắt đầu chiến lược thâu tóm ABT từ năm 2013.

Năm 2013, cơ cấu nhân sự ABT có biến động khi CTCP Xuyên Thái Bình Dương mua 5.783.308 cổ phiếu ABT tăng tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp tại ABT từ 0,37% lên 54,6%, qua đó chính thức trở thành công ty con của PAN.

Năm 2014, CTCP Xuyên Thái Bình Dương đã nâng cổ phần sở hữu tại ABT lên 62,45%. Tuy nhiên, một năm sau đó cơ cấu cổ đông tại Thủy sản Bến Tre có sự thay đổi về hình thức khi PAN không còn nắm giữ cổ phiếu tại ABT. Một đơn vị thành viên của PAN là CTCP Thực phẩm PAN (PAN Food) đã mua 7.272.655 cp, chính thức sở hữu 63,26% cổ phiếu ABT, và nâng lên 78,33% vào năm 2018. Hiện, PAN trở lại nắm sở hữu 78,33% ABT, sau khi nhận chuyển nhượng lượng tương ứng từ Thực phẩm PAN.

[Biz Insider] Vì đâu Thủy sản Bến Tre (ABT) rớt khỏi Top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Việt Nam? - Ảnh 2.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các năm

Đã từng có một thời Hoàng kim như thế

Tiền thân của ABT là Xí nghiệp Đông lạnh 22 được UBND tỉnh Bến Tre thành lập năm 1977, cấp quản lý trực tiếp là Sở thủy sản Bến Tre. Sau nhiều lần đổi tên, đến năm 2003 doanh nghiệp đổi thành Công ty Đông lạnh thủy sản xuất khẩu Bến Tre, năm 2004 cổ phần hóa và chuyển thành CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre. Tháng 12/2006, cổ phiếu ABT chính thức được niêm yết tại Trung tâm GDCK TP. HCM.

Từ khi chuyển sang công ty cổ phần đến năm 2007, ABT có tốc độ tăng trưởng khá cao. Năm 2005, doanh thu đạt 282,433 tỷ đồng (tăng 33,47% so với năm 2004), lợi nhuận sau thuế đạt 7,811 tỷ đồng (tăng 44,84% so với năm 2004).

Đến năm 2007, doanh thu đạt 429,71 tỷ đồng (tăng 29,24% so với năm 2006) và lợi nhuận sau thuế đạt 39,22 tỷ đồng (tăng 58,54% so với năm 2006). Doanh thu và lợi nhuận hàng năm như trên đã đảm bảo mức chi trả cổ tức hợp lý cho cổ đông, thu nhập ổn định cho người lao động và nguồn tích lũy thông qua lợi nhuận để tái đầu tư phát triển.

[Biz Insider] Vì đâu Thủy sản Bến Tre (ABT) rớt khỏi Top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Việt Nam? - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng hợp nghị quyết ĐHĐCĐ, Báo cáo thường niên

Tỷ lệ chia cổ tức năm 2007 là 30% với tổng giá gần 19 tỷ đồng. Như vậy, cổ tức được chia năm 2007 tăng 50% so với năm 2006 và chiếm 48,27% lợi nhuận sau thuế của Công ty. Điều này đánh dấu sự gia tăng liên tục tỷ lệ chia cổ tức qua các năm: 2004: 16%; 2005-2006 :20%; 2007: 30% và nêu bật sự tăng trưởng ổn định của Công ty trong các năm qua.

Thời điểm này, ABT đứng đầu cả nước về xuất khẩu nghêu, đứng thứ 15 trong danh sách 263 các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa, đứng thứ 36 trong danh sách 100 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Doanh thu ABT đạt đỉnh vào năm 2010 khi thu về 685,19 tỷ đồng (tăng 25,97% so với năm 2009), và lợi nhuận ABT đạt đỉnh 1 năm sau đó (2011) khi chinh phục ngưỡng gần 100 tỷ đồng (tăng 6,29% so năm 2010).

Đi cùng với đà tăng trưởng của doanh thu, ABT lọt top những doanh nghiệp chia cổ tức cao trong giai đoạn 2008 và 2009 với tỷ lệ 40%. Cá biệt , tỷ lệ chia cổ tức năm 2010 là 70%. Trong đó tiền mặt 50%, cổ phiếu 20%. Tổng giá trị cổ tức bằng tiền mặt đã chia hơn 63 tỷ đồng, tăng 63,33% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, sau khoảng 3 năm PAN nắm quyền chi phối, ABT rớt khỏi Top 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, kết quả kinh doanh trồi sụt, thiếu ổn định. Đến năm 2017, lợi nhuận ABT đạt mức thấp nhất trong 8 năm liền kề trước đó, ở ngưỡng 28 tỷ đồng. Do kết quả kinh doanh sụt giảm, doanh nghiệp chỉ chia cổ tức tỷ lệ 20%.

Lý giải về đà lao dốc này, báo cáo thường niên năm 2016 và 2017 của ABT cho biết, do hạn mặn gây cá chết; xuất khẩu sang thị trường EU sụt giảm vì chương trình giám sát dư lượng kháng sinh, chất cấm; giá thức ăn, giá thủy sản biến động; thiếu nguyên liệu cỡ lớn và cạnh tranh với các công ty khác..

Sau chuỗi dài kinh doanh tụt dốc, mới đây, từ ngày 24-27/05/2021, Thực phẩm PAN (Công ty con của Tập đoàn PAN) đã chuyển nhượng hơn 9 triệu cổ phần ABT cho Tập đoàn PAN theo kế hoạch tái cấu trúc sở hữu mảng kinh doanh thực phẩm của Tập đoàn PAN.

Điều này, mở ra hy vọng cho nhà đầu tư của ABT về sự hồi phục của "ông lớn" xuất khẩu nhuyễn thể và cá tra một thời, ít nhất là cải thiện ở kết quả doanh thu và lợi nhuận.












Quang Dân
Cùng chuyên mục