[Biz Insider] "Hé lộ" chân dung ông chủ Ford Đồng Nai, doanh nhân bí ẩn thâu tóm hơn 12% cổ phần CC1
Biến lớn ở CC1
Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (HOSE: CC1) trước đây là Tổng công ty Xây dựng Số 1 - TNHH MTV, tiền thân là 1 doanh nghiệp nhà nước, thành lập năm 1979. Đến ngày 1/11/2016, Tổng công ty đã cổ phần hóa chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông tính đến ngày 30/6/2020 gồm: Vốn nhà nước là 40,53%; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc là 19%; Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Nam Thịnh là 15%; Công ty Cổ phần Top American Việt Nam là 11%; các cổ đông khác là 14,47%.
Đến tháng 11/2020, Bộ Xây dựng đã bán thành công 44,6 triệu cổ phần CC1 cho 12 cá nhân với giá đấu thành công bình quân là 23.031 đồng/cp. Tổng trị giá cổ phần bán được là 1.027 tỷ đồng.
Sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn xong, CC1 tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 21/01/2021 để quyết các vấn đề liên quan nhân sự cấp cao. Đại hội đồng cổ đông đã thông qua miễn nhiệm 5 lãnh đạo gồm ông Lê Dũng, Chủ tịch HĐQT; ông Lê Hữu Việt Đức, ông Nguyễn Công Khai, ông Huyền Tấn Trí và ông Hoàng Trung Thanh, điều là thành viên HĐQT.
Bên cạnh đó, Đại hội đồng cổ đông đã bầu ông Nguyễn Văn Huấn là Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Văn Bình, ông Nguyễn Thành Vinh được bầu bổ sung vào thành viên HĐQT.
Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông CC1 còn thông qua việc cho phép cổ đông chiến lược và người lao động được tự do chuyển nhượng cổ phần.
Tính tới 31/12/2020, cổ đông lớn của doanh nghiệp là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn lộc sở hữu 19% vốn điều lệ; CTCP Cơ Điện Lạnh Nam Thịnh sở hữu 15% vốn điều lệ; CTCP Top American Việt Nam sở hữu 11,03% vốn điều lệ; Quỹ đầu tư giá trị Bảo Việt (BVIF) sở hữu 9,47% vốn điều lệ; Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt sở hữu 1.34% vốn điều lệ;
Nhưng sau đó, 3 tổ chức bao gồm Top American Việt Nam, BVIF và Bảo hiểm Bảo Việt đã lần lượt thoái vốn khỏi CC1 từ ngày 9/2-5/3.
Ở chiều ngược lại, CC1 xuất hiện cổ đông mới là ông Trần Tấn Phát mua vào 13,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,49% vốn điều lệ, giao dịch thực hiện ngày 3/2. Đáng lưu ý rằng, trước giao dịch, ông Phát không sở hữu cổ phiếu CC1 nào.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 12,1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0% lên 11% vốn điều lệ; ông Lê Hữu Việt Đức, Tổng giám đốc đăng ký mua vào 13,2 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0,01% lên 12% vốn điều lệ. Tuy nhiên, giao dịch của ông Đức không thành công do biến động giá và cung cầu của cổ phiếu không phù hợp.
Theo báo cáo thường niên của CC1 cho thấy, tính đến ngày 31/3/2021, cơ cấu cổ đông lớn của CC1 bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc sở hữu 19%; Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Nam Thịnh sở hữu 15%; cá nhân ông Trần Tấn Phát sở hữu 12,45% và ông Nguyễn Văn Huấn - Chủ tịch HĐQT CC1 sở hữu 11%.
Ngày 8/6, CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc thông báo đã bán toàn bộ hơn 20,8 triệu cổ phiếu CC1 tương đương với gần 19% vốn doanh nghiệp.
Không chỉ Tuấn Lộc, một cổ đông lớn khác – CTCP Cơ điện lạnh Nam Thịnh cũng đã đăng ký bán hết toàn bộ 16,3 triệu cổ phiếu CC1 nhằm thoái vốn. Tuy vậy hết thời gian đăng ký từ 26/4 đến 19/5/2021 Cơ điện lạnh Nam Thịnh vẫn chưa bán được cổ phiếu nào do biến động về giá và cung cầu thị trường không phù hợp.
Như vậy, sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn, 5 tổ chức nắm giữ hơn 56% vốn điều lệ của CC1 đã và đang thoái vốn hoàn toàn khỏi CC1. Với cơ cấu cổ đông đang thay đổi cùng với danh sách ứng cử thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho thấy, liên minh cổ đông liên quan đến Golden Land (CTCP Đất Vàng nơi ông Nguyễn Văn Huấn làm chủ tịch) và Ford Đồng Nai (ông Trần Tấn Phát làm chủ tịch) sẽ chi phối chính tại CC1. Trong đó, Golden Land từng giới thiệu là đối tác chiến lược của CC1.
Bí ẩn nhà đầu tư cá nhân
Ít ai biết rằng, ông Trần Tấn Phát - doanh nhân bí ẩn chi hơn 200 tỷ đồng mua 13,7 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Xây dựng số 1 vốn là cựu thanh niên xung phong, ông chủ của thương hiệu Ford Đồng Nai, với hệ sinh thái liên quan đến hãng xe hơi lớn của nước Mỹ.
Theo tìm hiểu, doanh nhân Trần Tấn Phát vốn là cựu thanh niên xung phong Liên đội II Nông trường quốc doanh Sông Ray thuộc Tổng đội TNXP Đồng Nai I. Năm 1979 ông hoàn thành nhiệm vụ, xuất ngũ về địa phương, đến năm 1990, xây dựng gia đình.
Theo dòng chảy của thời gian, năm 2006 ông thành lập Công ty TNHH Dịch vụ - Thương Mại Tấn Phát Đạt với tên giao dịch là Đồng Nai Ford nằm trên quốc lộ 1A nối liền hai miền Nam Bắc ngay ngã tư KCN Amata, khuôn viên của Đồng Nai Ford có tổng diện tích trên 3.200m2 bao gồm hệ thống phòng trưng bày và xưởng dịch vụ hiện đại đạt tiêu chuẩn Brand@Retail của Ford toàn cầu.
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, hệ sinh thái xung quang Ford Đồng Nai và doanh nhân Trần Tấn Phát xuất hiện những mắt xích quan trọng như Công ty TNHH Ôtô Tấn Đạt Phát, được thành lập 23/10/2009, nghành nghề kinh doanh bán buôn xe ô tô. Ngoài ra, doanh nghiệp có chi nhánh tại Vũng Tàu, được thành lập 1/6/2016.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Suối Tiên - đại lý ủy quyền của Ford Việt Nam, được thành lập 14/3/2020, có địa chỉ tại 35 Hoàng Hữu Nam, Phường Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
Và một doanh nghiệp trái ngành khác là Công ty TNHH Địa Ốc Sài Gòn Lộc Phát, thành lập ngày 17/8/2017, với ngành nghề chính Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. có địa chỉ tại Số 10/7, Tổ 1, KP 1, Phường Tam Hòa, TP. Biên Hoà, Đồng Nai.
Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 2016-2019, Ford Đồng Nai ghi nhận doanh thu rất ấn tượng, quy mô tài sản tăng mạnh theo từng năm, nhưng lợi nhuận thu về không đáng kể.
Cụ thể, năm 2016, Ford Đồng Nai ghi nhận doanh thu 588,9 tỷ đồng, lãi ròng 3,5 tỷ đồng. Thời điểm này, tổng tài sản doanh nghiệp ở mức 86,7 tỷ đồng.
Sang năm 2017, doanh thu Ford Đồng Nai đạt 647,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ xuống còn 3,4 tỷ đồng. Tài sản doanh nghiệp tăng 12,2 tỷ đồng lên mức 98,8 tỷ đồng.
Đến năm 2018, doanh thu giảm nhẹ xuống còn 602,4 tỷ đồng, lãi ròng về 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng tài sản tăng mạnh lên 119 tỷ đồng.
Năm 2019, Ford Đồng Nai ghi nhận khoản doanh thu tăng đột biết hơn 400 tỷ đồng đạt ngưỡng 1.047 tỷ đồng, thế nhưng lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 4,2 tỷ đồng. Thời điểm này, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 149,3 tỷ đồng.
Tương ứng với đó, nợ phải trả của Ford Đồng Nai cũng biến động qua các năm, lần lượt 43,2 tỷ đồng (năm 2016); 52,1 tỷ đồng (năm 2017); 49,9 tỷ đồng (năm 2017) và 95,3 tỷ đồng (năm 2019).
Trong khi đó, doanh nghiệp ngoài ngành là Công ty TNHH Địa Ốc Sài Gòn Lộc Phát không phát sinh doanh thu trong giai đoạn này, lỗ ròng vài triệu mỗi năm.