Nhiều lần vỡ nợ trái phiếu, tập đoàn CN hàng đầu Trung Quốc đứng trước yêu cầu bảo hộ phá sản

10/07/2021 13:59 GMT+7
Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Tsinghua Unigroup xác nhận một cổ đông đã yêu cầu tòa án bắt đầu thủ tục bảo hộ phá sản với tập đoàn này.

Tsinghua Unigroup là tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc được hậu thuẫn bởi chính phủ, với nhiều công ty con là các nhà sản xuất chip hàng đầu đại lục, trong đó có nhà phát triển chip di động lớn thứ hai Trung Quốc UNISOC.

Hôm 9/7, Tsinghua Unigroup cho hay hãng này vừa nhận được thông báo từ Tòa án nhân dân Trung thẩm số 1 Bắc Kinh do một cổ đông yêu cầu tòa án hỗ trợ thủ tục bảo hộ phá sản. Nguyên nhân là Tsinghua Unigroup đã bỏ lỡ nhiều đợt thanh toán lợi tức và đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cho cổ đông kể từ tháng 11/2020 đến nay.

“Chúng tôi hoàn toàn phối hợp với phía tòa án trong các cuộc điều tra tư pháp cũng như chủ động giải quyết rủi ro nợ” - đại diện Tsinghua Unigroup cho biết trong một tuyên bố với Nikkei Asia Review. "Chúng tôi ủng hộ tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông theo quy định của pháp luật."

Bên yêu cầu tòa án xem xét thủ tục bảo hộ phá sản cho Tsinghua Unigroup là Ngân hàng Huishang, một ngân hàng quốc doanh có trụ sở tại tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Nhiều lần vỡ nợ trái phiếu, tập đoàn CN hàng đầu Trung Quốc đứng trước yêu cầu bảo hộ phá sản - Ảnh 1.

Nhiều lần vỡ nợ trái phiếu, tập đoàn CN hàng đầu Trung Quốc đứng trước yêu cầu bảo hộ phá sản (Ảnh: AP)

Tsinghua Unigroup trong nhiều năm qua đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc khi Bắc Kinh theo đuổi tham vọng tự lực, tự chủ ngành công nghiệp chip. Việc phát triển chuỗi cung ứng chip độc lập trong nước là một phần quan trọng trong Sáng kiến công nghiệp “Made in China 2025” mà Bắc Kinh theo đuổi.

Đến nay, Tsinghua Unigroup là công ty mẹ của nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc Yangtze Memory Technologies. Yangtze Memory Technologies được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất hành tinh như Samsung của Hàn Quốc và Micron của Mỹ trong tương lai. Một công ty thiết kế chip di động trực thuộc Tsinghua Unigroup là UNISOC cũng đặt mục tiêu cạnh tranh với các gã khổng lồ chip di động toàn cầu như Qualcomm của Mỹ.

Nhưng các khoản nợ lớn đang đe dọa khả năng xây dựng năng lực sản xuất chip của Tsinghua Unigroup. Hai dự án nhà máy chip khổng lồ của tập đoàn này - nhà máy sản xuất bộ nhớ flash 3D NAND ở Thành Đô với vốn đầu tư 200 tỷ Nhân dân tệ (30,8 tỷ USD) và nhà máy sản xuất chip nhớ DRAM ở Trùng Khánh - đã bị chậm tiến độ và thậm chí đứng trước nguy cơ phải đình chỉ.

Trước tình hình đó, Tsinghua Unigroup đang tìm cách bán một phần cổ phần UNISOC để giải quyết tình trạng thiếu hụt dòng tiền mặt.

Theo Refinitiv, vào đầu năm nay, tổng giá trị các đợt vỡ nợ trái phiếu tính bằng đồng nội tệ và USD của Tsinghua Unigroup đã lên tới 3,6 tỷ USD.

Tsinghua Unigroup cho biết việc tái cơ cấu do tòa án thực hiện sẽ không ảnh hưởng đến tư các pháp nhân hay hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Hãng cũng sẽ tìm cách giảm thiểu tối đa tác động nếu có đến hoạt động của các công ty con liên quan.

Đằng sau Tsinghua Unigroup là mạng lưới cổ đông phức tạp bao gồm nhiều công ty quốc doanh và quỹ trực thuộc chính phủ. Một nguồn tin của Nikkei cho hay ngành chip bán dẫn là ưu tiên trọng tâm của chính phủ Trung Quốc. Do đó, “bản thân Tsinghua Unigroup có thể phải trải qua quá trình tái cơ cấu theo yêu cầu của tòa án, nhưng nó sẽ hạn chế tối đa bất kỳ ảnh hưởng nào đến công tác điều hành và vận hành của các công ty con trực thuộc tập đoàn”.

Hai công ty con niêm yết của Tsinghua Unigroup là nhà phát triển chip bảo mật Unigroup Guoxin Microelectronics và nhà cung cấp cơ sở hạ tầng điện toán đám mây Unisplendour Corporation đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu hàng năm lần lượt là 50% và 30% trong quý I/ 2021, theo Tsinghua Unigroup. "Hoạt động kinh doanh của các công ty con khác trực thuộc tập đoàn đang vận hành ổn định và tích cực" - Tsinghua Unigroup cho hay.

Bảo hộ phá sản là một khái niệm nằm trong pháp luật phá sản của Mỹ để nói về việc một doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ, đứng trước nguy cơ bị phá sản tiến hành các thủ tục pháp lý với Tòa án xin “bảo hộ phá sản”, nhằm mục đích giúp cho doanh nghiệp này, dựa trên quyết định của Tòa án có thể trì hoãn việc trả nợ trong khi thiết kế và thực thi kế hoạch tái cơ cấu, phục hồi doanh nghiệp của mình.

NTTD
Cùng chuyên mục