Bộ Tài chính nói về đề xuất tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay

07/05/2021 15:00 GMT+7
Liên quan đến đề xuất của Vietnam Airlines về tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay, theo Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xem xét thận trọng, đảm bảo phù hợp chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân.

Cụ thể, tại văn bản trả lời một số vấn đề được dư luận, báo chí quan tâm, Bộ Tài chính cho biết, về thẩm quyền quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông Vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông Vận tải.

Như vậy, việc xem xét điều chỉnh khung giá (bao gồm giá trần và giá sàn) dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Bộ này, nguyên tắc định giá nhà nước được quy định tại Điều 20 Luật Giá đó là bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Đề xuất tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay, Bộ Tài chính nói gì? - Ảnh 1.

Việc xem xét điều chỉnh khung giá (bao gồm giá trần và giá sàn) dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.

Tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay - Đây mới chỉ là phương án đề xuất của Vietnam Airlines, theo Bộ Tài chính

"Việc xem xét điều chỉnh mức trần khung giá vé máy bay, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xem xét thận trọng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và rà soát từng yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ cấu thành giá vé máy bay theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, cần phải tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh thích hợp (nếu có), đảm bảo phù hợp chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân; hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines đã đưa ra kiến nghị tăng mức giá trần từ 50.000 - 250.000 đồng/khách.

Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình một ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.

Theo đó, với cự ly dưới 500 km, nhóm địa bàn phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giữ nguyên giá trần, song áp giá sàn là 414.000 đồng hoặc 560.000 đồng (phương án 35% giá trần). Còn với nhóm địa bàn khác, giá sàn ở mức 414.000 đồng hoặc 595.000 đồng.

Giá trần hiện nay cho nhóm đường bay từ 500 - 850 km, giá trần 2,2 triệu đồng/vé được đề xuất tăng lên 2,25 triệu đồng/vé; 850 - 1.000 km từ 2,79 triệu đồng/vé lên 2,89 triệu đồng/vé; cự ly 1.000 - 1.280 km từ 3,2 triệu đồng/vé lên 3,4 triệu đồng/vé... Với các cự ly nêu trên, giá sàn được đề xuất lần lượt là 570.000 - 787.500 đồng/vé, 755.000 - hơn 1 triệu đồng/vé; 804.000 - 1.190.000 đồng/vé.

Trước đề xuất của Vietnam Airline về tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng nên để khách hàng và thị trường quyết định.

Một số chuyên gia cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giá trần để phù hợp với đầu vào, cơ quan chức năng cần xem xét.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) cần nghiên cứu, cân nhắc. Trong bối cảnh hiện nay, có thể điều chỉnh tăng là hợp lý nhưng cần phải xem xét hết sức thận trọng.

H.Anh
Cùng chuyên mục