Cá nhân không được kinh doanh bất động sản từ 1/3/2022?

14/02/2022 09:39 GMT+7
Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, cho thuê, cho thuê lại... bất động sản. Vậy theo quy định mới nhất, điều kiện để kinh doanh bất động sản là gì? Cá nhân có được kinh doanh dịch vụ này không?

Cá nhân không được kinh doanh bất động sản từ 01/3/2022?

Điểm a khoản 2 Điều 76 Luật Đầu tư 2020 nêu rõ:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này

Theo đó, khoản 2 Điều này trong quy định trên là khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 nêu rõ:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Cá nhân không được kinh doanh bất động sản từ 1/3/2022? - Ảnh 1.

Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, cho thuê, cho thuê lại... bất động sản.

Có thể thấy, cá nhân kinh doanh bất động sản bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trừ trường hợp bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên. Tuy nhiên, trường hợp này phải kê khai nộp thuế dù không phải thành lập doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP, ngoài cá nhân bán, chuyển nhượng bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên nêu trên thì cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản cũng là đối tượng được kinh doanh mà không cần thành lập doanh nghiệp:

- Dịch vụ môi giới bất động sản.

- Dịch vụ sàn giao dịch bất động sản.

- Dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản...

Đồng thời, Điều 5 Nghị định 02/2022/NĐ-CP đã liệt kê các hoạt động kinh doanh bất động sản không phải thành lập doanh nghiệp gồm:

- Bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách.

- Bất động sản mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua là tài sản công.

- Tổ chức tín dụng, ngân hàng, công ty quản lý tài sản AMC, VAMC bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đang được dùng để bảo lãnh, thế chấp nhằm thu hồi nợ.

- Bán nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất theo quyết định của Toà án, cơ quan nhà nước khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

- Bán nhà, công trình thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình.

- Chuyển nhượng, bán bất động sản do mình đầu tư xây dựng mà không phải dự án đầu tư xây dựng bất động sản để kinh doanh.

Như vậy, từ ngày 01/3/2022 tới đây, theo quy định tại Nghị định 02/2022/NĐ-CP, cá nhân vẫn được quyền kinh doanh bất động sản nhưng chỉ những cá nhân thuộc trường hợp nêu tại Điều 5 Nghị định ở trên mới được kinh doanh bất động sản.

Điều kiện kinh doanh bất động sản từ 01/3/2022 thế nào?

Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP gồm:

- Thành lập doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề kinh doanh bất động sản (quy định cũ tại yêu cầu phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP).

- Công khai thông tin về doanh nghiệp, bất động sản đưa vào kinh doanh, số lượng, loại sản phẩm bất động sản được kinh doanh, số lượng, loại sản phẩm đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và còn lại đang tiếp tục kinh doanh trên Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án hoặc tại sản giao dịch bất động sản.

Nếu những thông tin này có sự thay đổi thì phải được cập nhật kịp thời ngay sau khi có thay đổi (điều kiện mới được bổ sung)

- Các bất động sản đưa vào kinh doanh phải có đủ điều kiện tại Điều 9, Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản: Không bị kê biên để thi hành án, không có tranh chấp, có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn với đất trong Sổ đỏ hoặc có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất...


PV
Cùng chuyên mục