Các nhà sản xuất chip kiếm bộn tiền giữa cơn khủng hoảng nguồn cung chip
Tổng doanh thu hàng quý trong quý I/2021 của 10 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục 22,75 tỷ USD, theo một nghiên cứu được TrendForce công bố hôm 31/5.
Chip là linh kiện được sử dụng trong mọi đồ dùng điện tử, từ ô tô, máy chơi game cho đến máy giặt, thậm chí là bàn chải đánh răng tự động. Chúng tạo thành một mạch máu nuôi dưỡng ngành công nghệ trong nền kinh tế toàn cầu, là yếu tố quan trọng thiết yếu với nhiều ngành công nghiệp lớn của thế giới. Nhưng thế giới đang bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng thiếu chip. Tình trạng thiếu hụt được dự báo có thể kéo dài đến năm 2023.
Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, nhiều ngành hàng đã dự đoán người dân có thể cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng điện tử khi thu nhập giảm sút, kinh tế eo hẹp. Nhưng dự đoán này nhanh chóng trở nên sai lầm khi các đợt phong tỏa trên toàn cầu buộc người dân chôn chân tại nhà, qua đó kích thích nhu cầu mua sắm đồ công nghệ, từ smartphone, laptop cho đến máy chơi game. Khi doanh số bán xe phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến và năng lực của các xưởng đúc chip có hạn, các ngành sản xuất đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip.
Khoảng 57% doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu trong quý I được tạo ra bởi nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC. TSMC đã ghi nhận doanh thu tăng lên 12,9 tỷ USD trong quý I, theo TrendForce. Các dòng chip 7nm, 12 nm, 16 nm đóng góp nguồn thu chính cho doanh thu công ty. Doanh thu từ dịch vụ đúc 7nm đã tiếp tục tăng với tốc độ ổn định nhờ các đơn đặt hàng từ AMD, MediaTek và Qualcomm. Trong khi đó, doanh thu từ chip 12nm và 16nm đã “tăng lên do nhu cầu liên quan đến bộ thu phát sóng RF (tần số vô tuyến) 5G của MediaTek và máy khai thác tiền điện tử của Bitmain.
Tuy nhiên, doanh số bán chip 5nm nhỏ nhất và sáng tạo nhất của TSMC thực sự đã giảm theo quý, nguyên nhân chính là do Apple (khách hàng mua chip 5nm lớn nhất của TSMC) bước vào mùa sản xuất những thiết bị không cần dùng đến dòng chip tiên tiến này.
Trong một diễn biến trái chiều khác, gã khổng lồ chip Samsung của Hàn Quốc đã ghi nhận doanh thu từ xưởng đúc chip giảm 2% trong quý xuống chỉ còn 4,1 tỷ USD. Nguyên nhân chính được cho là do cơn bão tuyết kinh hoàng hồi tháng 2 ở Texas gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng trong nhiều ngày, buộc Samsung tạm ngừng sản xuất chip tại nhà máy Austin.
Một số nhà sản xuất chip khác như United Microelectronics Corporation (trụ sở Đài Loan) đã chứng kiến doanh thu hàng quý tăng 5% lên 1,6 tỷ USD, trong khi SMIC của Trung Quốc ghi nhận doanh thu tăng 15% lên 1,1 tỷ USD.
TrendForce dự báo doanh thu các hãng chip sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nguồn cung chip được dự báo kéo dài đến năm 2023 trong khi nhu cầu chip tiếp tục tăng cao trong những tháng tới.
Theo công ty tư vấn AlixPartners, cuộc khủng hoảng chip hiện tại có thể sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu thiệt hại 110 tỷ USD trong năm nay.
Tại Mỹ, tình trạng thiếu hụt chip trầm trọng đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden ra lệnh khẩn xem xét lại chuỗi cung ứng của Mỹ trong 100 ngày. Khoảng 50 tỷ USD trong gói đề xuất cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD của ông Biden cũng được dành cho việc củng cố ngành công nghiệp chip của Mỹ.
Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Ford Motors và General Motors cũng dự báo tình trạng thiếu chip sẽ làm giảm hàng tỷ USD lợi nhuận của hãng trong năm nay. Cụ thể, Ford dự báo lợi nhuận giảm 2,5 tỷ USD trong khi GM dự báo lợi nhuận giảm từ 1,5-2 tỷ USD.