Các quỹ đầu tư Mỹ, châu Âu ngày càng rót nhiều tiền vào chứng khoán Trung Quốc
Quỹ hưu trí Giáo viên bang California CalSTRS - quỹ hưu trí công lớn thứ hai của Mỹ gần đây đã tuyên bố trọng tâm danh mục đầu tư là các cổ phiếu chống biến đổi khí hậu và cổ phiếu Trung Quốc, theo Giám đốc đầu tư Christopher Ailman.
Quỹ CalSTRS hiện quản lý tổng tài sản trị giá 254,7 tỷ USD, trong đó 10 mã cổ phiếu hàng đầu bao gồm hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Tencent Holdings và Alibaba Group. Bên cạnh đó, CalSTRS cũng nắm giữ một lượng cổ phiếu Apple và một số đại gia công nghệ Mỹ khác.
Giám đốc đầu tư Christopher Ailman, người đã nằm trong ban lãnh đạo CalSTRS hơn 18 năm cho hay đây là lần đầu tiên có hai công ty công nghệ Trung Quốc lọt top 10 mã cổ phiếu hàng đầu của quỹ. Hiện số cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả những cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông chiếm tới 2,9% tổng danh mục đầu tư mà quỹ này quản lý. Con số này thấp hơn mức 3,5% cổ phiếu doanh nghiệp Nhật Bản mà CalSTRS nắm giữ, nhưng khoảng cách đang ngày càng thu hẹp do xu hướng tăng đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc, theo ông Ailman.
Tỷ phú Ray Dalio, người sáng lập quỹ đầu cơ Bridgewater Associates cũng dự báo các nhà đầu tư Mỹ sẽ tăng cường đổ tiền vào các tài sản Trung Quốc bất chấp sự leo thang của căng thẳng Mỹ Trung.
Đồng quan điểm với Ray Dalio, một quỹ đầu tư khác có trụ sở tại Scotland là Baillie Gifford đã mở văn phòng đầu tiên tại Thượng Hải vào đầu tháng 9 nhằm tăng cường kết nối với các công ty Trung Quốc cũng như tìm kiếm những khoản đầu tư hứa hẹn. Quỹ này quản lý lượng lớn tài sản của các nhà đầu tư từ Mỹ và Châu Âu.
Xu hướng chuyển dịch đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc đã nhen nhóm từ năm 2018 khi hàng loạt nhà quản lý chỉ số chứng khoán hàng đầu bao gồm MSCI và FTSE bắt đầu tăng tỷ lệ cổ phiếu Trung Quốc trong danh mục chỉ số. Hiện nay, khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tuyên bố kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 và có khả năng tăng trưởng dương trong năm 2020, các nhà đầu tư ngày càng có thêm động lực để rót tiền vào chứng khoán Trung Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh cũng đang tăng cường những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, cho phép các tổ chức tài chính của Mỹ mở rộng hoạt động tại Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, chính quyền ông Tập Cận Bình đã nới lỏng các quy định, hạn chế đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc để giúp doanh nghiệp thu hút đầu tư dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, tờ Nikkei Asian Review cảnh báo rằng đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc vẫn là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước đã ký ban hành lệnh cấm các tổ chức và cá nhân Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen quốc phòng - tức bị Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Mới đây nhất, hôm 18/12 vừa qua, ông Trump lại phê duyệt thêm Đạo luật trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài, đạo luật có khả năng loại các công ty Trung Quốc khỏi sàn niêm yết chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ quy tắc giám sát kiểm toán nghiêm ngặt của Mỹ trong vòng 3 năm. Đạo luật áp dụng cho mọi công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ. Nhưng theo nhiều chuyên gia, đây là đòn giáng hướng trực tiếp đến các công ty Trung Quốc, cũng là động thái mới nhất của chính quyền Trump nhằm củng cố di sản chính sách cứng rắn với Bắc Kinh trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức tiếp quản Nhà Trắng.