Cam Nghệ hết thời hoàng kim vì dịch bệnh?
Cam rụng quả do bệnh Greening
Cây cam từng là loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế vượt trội, được trồng với diện tích rất lớn ở Nghệ An. Trong đó có thể kể đến những thủ phủ cam như các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông…
Thương hiệu cam xứ Nghệ nổi tiếng xa gần. Nhiều gia đình nhờ trồng cam mà vươn lên khá giả.
Có thể nói giai đoạn 2015 - 2016 là thời kỳ hoàng kim của cam Nghệ khi được thị trường đặc biệt ưa chuộng, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Cam được mùa, được giá, người người, nhà nhà trồng cam, tích cực mở rộng diện tích.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều vườn cam đang trong tình trạng bị dịch bệnh, cây lá xác xơ, trái bị hư hỏng, thối rữa, rụng đầy gốc.
Một nông dân trồng cam ở Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) cho biết khoảng cuối năm 2018, vườn cam của gia đình bắt đầu bị nhiễm bệnh hàng loạt. Cây xuất hiện tình trạng vàng lá, héo rũ, rụng quả… rồi chết. Dù chủ vườn đã thử nhiều cách trị bệnh khác nhau nhưng vẫn phải chặt bỏ quá nửa số cây trong vườn.
Nhiều hộ trồng cam khác cũng gặp phải tình trạng tương tự với mức độ khác nhau. Để cứu vãn tình hình, một số hộ đã tranh thủ thu hoạch sớm, khi cam chưa đạt kích cỡ tiêu chuẩn và chấp nhận bán với giá chỉ từ 4.500 – 5.000 đồng/kg. “Không cần làm phép tính cũng đủ biết người trồng chỉ có lỗ” – người này nói.
Các chuyên gia cho rằng cam bị rụng quả nhiều phần lớn do bệnh Greening. Ngoài ra, cam còn bị vàng lá, thối rễ do nấm hoặc bị “ngài bướm lâm nghiệp” ký sinh… Những bệnh này đều rất khó phòng trừ, đặc biệt là bệnh Greening. Cam bị Greening thì xác định chỉ còn cách chặt bỏ.
80% diện tích cam đang “có vấn đề”
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, những năm trước, thu nhập bình quân của người trồng cam trên địa bàn thường ở mức 300 – 500 triệu đồng/ha. Diện tích trồng cam tăng phi mã, năm 2018 đạt đỉnh trên 6.150 ha.
Đến cuối năm 2019, diện tích trồng cam toàn tỉnh giảm xuống còn 5.464 ha nhưng vẫn vượt 314 ha so với quy hoạch. Diện tích này tập trung chủ yếu tại huyện Quỳ Hợp (158 ha) và Thanh Chương (107 ha).
Tuy nhiên, khoảng 66 – 70% diện tích cam kinh doanh phát triển kém. Dự kiến trong 1 – 2 năm tới, 50% diện tích có thể đối diện với nguy cơ phải chặt bỏ. Hiện nay, ghi nhận thực tế cho thấy diện tích cam "có vấn đề" chiếm tới 60 – 80%.
Do đó, tình hình sản xuất cam trên địa bàn đang đối mặt hàng loạt thách thức. Cụ thể như năng suất thấp, sâu bệnh nhiều, giống không đảm bảo, trình độ canh tác chưa cao, không đủ sức cạnh tranh trên thị thường…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến nghề trồng cam rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay ngoài quá trình phát triển không theo quy hoạch chung có thể kể đến chất lượng giống cây trồng không đảm bảo.
Khâu giống là khâu có ý nghĩa vô cùng quan trọng quyết định năng suất cây trồng nhưng đa phần giống cam đều do nông dân tự sản xuất hoặc mua trôi nổi trên thị trường. Toàn vùng không có giống đầu dòng hay vườn cây mẹ.
Mắt ghép lấy từ những vườn không đạt tiêu chuẩn, không thể truy xuất, đánh giá chính xác được nguồn gốc, chất lượng.
Được biết, vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Viện Bảo vệ Thực vật tiến hành kiểm tra, đánh giá bước đầu tại một số vườn trồng mới, vườn phục tráng cũng như những vườn già cỗi để từ đó có biện pháp khắc phục và định hướng lâu dài.