Căng thẳng với Jack Ma không khiến Bắc Kinh dồn Alibaba vào cửa tử
Rebecca Fannin, tác giả cuốn sách “Gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc” nhận định: “Các nhà đầu tư đang cẩn trọng hơn với Alibaba… Mối quan hệ đầy xích mích hiện tại (giữa Jack Ma và Bắc Kinh) là một thực tế mới buộc các nhà đầu tư phản cân nhắc các mối đe doạ tiềm ẩn”.
Các nhà quan sát cho rằng nguyên cớ trực tiếp khiến Jack Ma làm mất lòng Bắc Kinh và do bài phát biểu công khai hôm 24/10. Trong bài phát biểu tại diễn đàn này, Jack Ma đã thẳng thắn chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc, ví các ngân hàng với “tiệm cầm đồ”, nơi chỉ những ai có tài sản thế chấp hoặc được bảo lãnh mới được vay tiền.
Ngay sau bài phát biểu, sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã lập tức đình chỉ thương vụ IPO trị giá 37 tỷ USD của công ty con Alibaba - Ant Group vài ngày trước giờ niêm yết. Cuộc điều tra sau đó về hành vi độc quyền của Alibaba khiến cổ phiếu hãng này tụt mạnh 16%, đưa Alibaba vào cơn sóng gió. Nhà sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma cũng im hơi lặng tiếng trong gần 3 tháng sau đó và chỉ mới xuất hiện trở lại trong một video ngắn gần đây. Duncan Clark, chủ tịch công ty tư vấn công nghệ BDA Trung Quốc (Bắc Kinh) cho hay: “Tôi nghĩ rằng ông ấy đã cố gắng hạn chế xuất hiện. Đây là một tình huống khá đặc biệt, liên quan đến quy mô của Ant Group và các quy định tài chính nhạy cảm”.
Đầu tuần này, tỷ phú Jack Ma đã không có tên trong danh sách các nhà lãnh đạo - doanh nhân tiêu biểu của Trung Quốc do Shanghai Securities News công bố. Thay vào đó, 3 cái tên được vinh danh là chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi, CEO Xiaomi Lei Jun và nhà sáng lập BYD Wang Chuanfu. Danh sách được công bố sáng 2/2, cùng lúc với thời điểm Alibaba tung báo cáo tài chính quý IV/2020.
Hàng loạt động thái của Bắc Kinh dẫn đến 2 mối quan ngại lớn của nhà đầu tư.
Thứ nhất, công ty con Ant Group có thể buộc phải tái cấu trúc và thu hẹp quy mô hoạt động một số lĩnh vực kinh doanh.
Thứ hại, các cơ quan quản lý có thể buộc Alibaba từ bỏ hoặc thay đổi một số hoạt động thương mại kinh doanh cốt lõi, vốn là nguồn thu lợi nhuận chính của doanh nghiệp.
Neil Campling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Mirabaud Securities nhận định: “Hiện tại rủi ro lớn nhất dường như xoay quanh niềm tin của các nhà đầu tư vào thương hiệu và hệ sinh thái kinh doanh của Alibaba. Bất kỳ quy định chặt chẽ nào hơn với các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Alibaba chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển của nó”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Rebecca Fannin tin rằng trong dài hạn, căng thẳng giữa Jack Ma và Bắc Kinh rồi sẽ giảm bớt. Dù vậy, Alibaba vẫn cần một chiến lược linh hoạt để ứng phó với áp lực từ chính phủ, nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng cũng như lo ngại của nhà đầu tư.
Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba chịu áp lực đáng kể từ khi đợt IPO của Ant Group bị đình chỉ đột ngột. Tính từ 27/10 (thời điểm Ant Group bị huỷ IPO) đến hết phiên giao dịch 2/2 trên sàn chứng khoán Mỹ, cổ phiếu Alibaba giảm gần 20% từ 317,14 USD xuống 254,50 USD.
Cũng như Fannin, một số nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về triển vọng Alibaba trong dài hạn.
Mizuho đã tăng mức giá mục tiêu cổ phiếu Alibaba từ 270 USD lên 285 USD vào thứ Ba. Matthew Schopfer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Infusing, một tổ chức quản lý tài sản đầu tư vào Alibaba cũng cho rằng những ồn ào gần đây xoay quanh gã khổng lồ công nghệ chỉ là một gợn sóng và không mấy ảnh hưởng đến các nhà đầu tư dài hạn. “Alibaba là lá cờ tiên phong về năng lực công nghệ của Trung Quốc, chúng tôi không cho rằng chính phủ Bắc Kinh có ý định làm tổn thương nó trong dài hạn… Khi chúng ta vượt qua thách thức trước mắt, tôi nghĩ thị trường sẽ trở lại với sức hút từ Alibaba và hệ sinh thái các hoạt động kinh doanh của nó như một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng Trung Quốc. Alibaba hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng chi tiêu và tiêu dùng kỹ thuật số ở Trung Quốc”.