Jack Ma xuất hiện trở lại không giúp Alibaba qua cơn khủng hoảng

29/01/2021 11:10 GMT+7
Lần xuất hiện sau hàng tháng trời mất tích của tỷ phú Jack Ma vào tuần trước đã vực dậy phần nào cổ phiếu Alibaba, đưa vốn hóa tập đoàn này phục hồi 58 tỷ USD. Nhưng hiệu ứng này không tồn tại lâu, khi các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về rủi ro đã xóa sạch 150 tỷ USD vốn hóa Alibaba trước đó.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc dự kiến sẽ công bố tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng quý IV/2020 chậm nhất trong vòng 5 năm vào tuần sau, giữa lúc đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 2 thập kỷ hình thành.

Ước tính của các nhà phân tích cho thấy doanh thu Alibaba có khả năng tăng 33% lên mức kỷ lục 215,4 tỷ NDT (33 tỷ USD) trong quý IV/2020, một phần do sự bùng nổ của dịp mua sắm Ngày độc thân vào đầu tháng 11. Tuy vậy, đây là mức tăng trưởng doanh số bán hàng quý IV chậm nhất trong vòng 5 năm qua.

Jack Ma xuất hiện trở lại không giúp Alibaba qua cơn khủng hoảng - Ảnh 1.

Jack Ma xuất hiện trở lại không giúp Alibaba qua cơn khủng hoảng

Những nguy cơ bắt đầu ập đến vào tháng 11/2020, khi sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải bất ngờ đình chỉ đợt IPO trị giá 37 tỷ USD của công ty con Ant Group trực thuộc Alibaba vào phút chót. Cuộc điều tra sau đó về hành vi độc quyền của Alibaba khiến cổ phiếu hãng này tụt mạnh 16%, đưa Alibaba vào cơn sóng gió. Giữa lúc đó, đối thủ hàng đầu của Alibaba là Tencent lại chứng kiến cổ phiếu tăng vọt đưa giá trị vốn hóa tiến gần mốc 1 nghìn tỷ USD.

Alibaba của Jack Ma từng là tấm gương lớn cho các công ty tư nhân đang phát triển nhanh chóng ở lĩnh vực internet bùng nổ của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, khi bị Bắc Kinh để mắt, Alibaba có nguy cơ bị phạt khoảng 10% doanh thu, tương đương 7,8 tỷ USD nếu bị phát hiện có hành vi độc quyền. Các CEO của tập đoàn cũng đau đầu tìm lời giải cho bài toán Ant Group - công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính, hiện đang cung cấp khoản vay tiêu dùng cho khoảng nửa tỷ người mua sắm trên các sàn thương mại điện tử của Alibaba.

Việc Bắc Kinh nhắm đến công ty tài chính Ant Group rõ ràng là thách thức lớn cho Alibaba. Ant hiện cung cấp tín dụng không đảm bảo cho khoảng 500 triệu người dùng thông qua nền tảng Huabei (Just Spend) và Jiebei (Just Lend ). Số tiền này được sử dụng một phần để thanh toán cho việc mua sắm trên các sàn Taobao hoặc ứng dụng đặt chuyến đi du lịch Fliggy. Ella Ji, một nhà phân tích của China Renaissance cho biết: “Tín dụng tiêu dùng giảm tại Huabei sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Alibaba”. 

Bên cạnh sức ép từ Bắc Kinh, Alibaba còn vật lộn trong cuộc chiến cạnh tranh với các sàn đối thủ như JD.com - công ty từng cáo buộc Alibaba gây áp lực không công bằng để ép doanh nghiệp xa lánh các trang thương mại điện tử khác; hay Pindoudou - sàn có 730 triệu người dùng hàng năm, gần bằng con số 757 triệu người dùng của Alibaba.

Theo Octahedron Capital Management, một công ty tư vấn có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), bất cứ quy định nào cấm Alibaba ngừng hoàn toàn các chính sách độc quyền có thể khiến doanh số Tmall giảm mạnh gần 10% trong năm 2021. Theo ước tính hiện tại, gần 10% các thương hiệu bán chạy nhất trên sàn Alibaba là thương hiệu phân phối độc quyền.

Trong khi đó, các nền tảng video như TikTok của ByteDance Ltd. và Kuaishou Technology do Tencent hậu thuẫn cũng đang khai thác mảng phát trực tiếp như một phương tiện bán hàng để giành thị phần của các sàn thương mại điện tử lớn hơn. ByteDance mới đây công bố doanh thu ngày Độc thân 2020 trên ứng dụng Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) đạt tới 18,7 tỷ NDT.

“Các mảng kinh doanh thương mại điện tử của Douyin và Kuaishou hiện vẫn còn đang trong giai đoạn đầu manh nha nhưng sẽ tiếp tục phát triển và có nguy cơ trở thành mối đe dọa lớn với Alibaba và các sàn khác trong nhiều danh mục sinh lợi như thời trang, mỹ phẩm… Bộ đôi ứng dụng này đang thống trị mảng video ngắn cho đến nay” - các nhà phân tích của Bernstein nhận định.


NTTD
Cùng chuyên mục