Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 huy động vốn bằng cách nào?

01/10/2021 14:33 GMT+7
Do nhu cầu vốn cần khoảng 393.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT sẽ sử dụng vốn ngân sách NN khoảng 239,5 nghìn tỷ đồng, còn lại 153,5 nghìn tỷ đồng cần huy động vốn ngoài ngân sách.

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo tờ trình về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phải hoàn thành trên 2.000km đường bộ cao tốc, tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỷ đồng.

Do nhu cầu vốn cần khoảng 393.000 tỷ đồng, Bộ GTVT sẽ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 239,5 nghìn tỷ đồng, còn lại 153,5 nghìn tỷ đồng cần huy động vốn ngoài ngân sách.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm giai đoạn 2021 - 2025 khác với quy định của pháp luật hiện hành trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết, làm cơ sở để triển khai thực hiện; sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm đề xuất triển khai cho giai đoạn 2026-2030 là rất cần thiết.

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 huy động vốn bằng cách nào? - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Thế Anh

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Về chính sách huy động vốn, kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép Chính phủ được phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại và tính vào bội chi của ngân sách địa phương.

Đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn lập dự án, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, tư vấn giám sát thi công xây dựng, các gói thầu thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Cuối cùng, Bộ GTVT đề xuất cho phép nhà đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá) mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho các dự án đường bộ cao tốc thì không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nêu trên là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Bình luận về việc huy động vốn cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2032 với các chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: "Ngoài phần vốn của ngân sách T.Ư, vốn huy động của nhà đầu tư, các tỉnh cũng cần có trách nhiệm góp ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án cao tốc qua địa bàn".

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 huy động vốn bằng cách nào? - Ảnh 2.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). Ảnh: Dân Việt

Theo ông Long, việc sử dụng ngân sách địa phương cùng tham gia đầu tư sẽ giảm gánh nặng lên ngân sách trung ương, tạo quyền chủ động và gắn trách nhiệm của địa phương trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Hiện nay, rất nhiều tỉnh, thành mong muốn có tuyến đường cao tốc đi qua nhưng ngân sách địa phương lại hạn hẹp. Do đó, Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại sẽ là một giải pháp đột phá trong bối cảnh hiện nay.

"Việc huy động vốn của địa phương sẽ thuận lợi bởi Chính phủ phát hành trái phiếu thường có mức lãi suất thấp và huy động dễ dàng hơn trên thị trường tài chính", ông Long đánh giá, 

Ông Long cho biết thêm, để áp dụng cơ chế này, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương liên quan cần có đề án cụ thể, trong đó phải xác định rõ ngay từ đầu mệnh giá của trái phiếu phát hành, lãi suất bao nhiêu, thời hạn thế nào…

Việc áp dụng cơ chế này phải căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương, khả năng chi trả thế nào, cơ chế giám sát ra sao, chứ không thể làm ồ ạt. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, chúng ta phải đẩy mạnh thu hút vốn để đầu tư theo hình thức đầu tư PPP.

Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành thêm các cơ chế đặc thù như cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, tháo gỡ chính sách để huy động vốn tín dụng từ các tổ chức tái chính quốc tế…



Thế Anh
Cùng chuyên mục