CC1: Báo lãi hơn 320 tỷ đồng năm 2024, nợ vay tăng vọt
Nợ vay tăng đột biến, kế hoạch tăng vốn bất thành
Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 với doanh thu thuần cả năm 2024 đạt 10.157 tỷ đồng, tăng 81% so với năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 48% lên 9.673 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 5,84% xuống 4,76%.
Năm 2024, CC1 ghi nhận lãi hoạt động tài chính 27,2 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2023 lãi 316 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu hoạt động tài chính năm nay giảm chủ yếu đến từ lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư giảm 65% xuống còn 232,8 tỷ đồng; lãi tiền gửi, tiền cho vay 118,3 tỷ đồng;... nhưng ở chiều ngược lại, các chi phí tài chính cũng giảm mạnh khoảng 150 tỷ đồng còn 324,2 tỷ đồng nhờ chi phí lãi vay giảm so với cùng kỳ.
Kết thúc năm 2024, CC1 báo lãi trước thuế 324,7 tỷ đồng, lãi sau thuế 259 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 14% so với năm 2023. So với kế hoạch năm Đại hội cổ đông thông qua với doanh thu thuần hợp nhất 11.600 tỷ đồng, lãi trước thuế 590 tỷ đồng, CC1 chỉ hoàn thành được lần lượt 87,5% và 55% kế hoạch được giao.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của CC1 ở mức 16.738,9 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, và 62% trong số đó là tài sản ngắn hạn. Bảng cân đối cho thấy, tiền và các khoản tương đương tiền kỳ này giảm nhẹ, còn 2.625 tỷ đồng.
Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 5.822 tỷ đồng, giảm nhẹ không đáng kể so với đầu năm và chiếm 56% tài sản ngắn hạn. Trong đó: Trả trước cho người bán ngắn hạn 3.485 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng 1.940 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác 531 tỷ đồng;.... Đồng thời, CC1 dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 158 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng trị giá 1.940 tỷ đồng bao gồm: phải thu của bên liên quan 36,8 tỷ đồng và bên thứ ba 1.903 tỷ đồng.
Trong đó, các bên thứ ba bao gồm: Liên danh MC-HDEC-CC1 366,4 tỷ đồng: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – Chi nhánh Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP 230,2 tỷ đồng và CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải 58,6 tỷ đồng.
Đối với khoản trả trước cho người bán ngắn hạn trị giá gần 3.485 tỷ đồng, CC1 trả trước cho bên liên quan gần 627 tỷ đồng và cho bên thứ ba hơn 2.858 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có các khoản từ 10% trở lên của bên thứ ba mới được CC1 thuyết minh ở mức tối thiểu, bao gồm: CTCP Keytech 521 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Xây dựng Alpha Realty 313,7 tỷ đồng.
Ở mục phải
thu khác trị giá 530,7 tỷ đồng, một số khoản không được CC1 thuyết minh chi tiết
như tạm ứng cho nhân viên 102,5 tỷ đồng; phải thu khác 65,5 tỷ đồng. Tổng hai
khoản này là 168 tỷ đồng, tương ứng gần 32% giá trị khoản phải thu khác.
Đáng chú ý, khoản hàng tồn kho tăng mạnh 60% so với đầu năm lên 1.486,8 tỷ đồng. Thuyết minh cho thấy, 1.308 tỷ đồng trong hàng tồn kho là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, bao gồm: CT Khu Thương mại - khách sạn - căn hộ Tropicana Nha Trang 145,5 tỷ đồng; CT gói thầu số 11 - xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất 129,3 tỷ đồng; CT Bệnh viện đa khoa Bình Dương 1500 giường 127,5 tỷ đồng;....
Do các khoản phải thu luôn ở mức cao và hàng tồn kho tăng đột biến nên hết năm 2024, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CC1 âm 2.270 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2023 vẫn dương 2.957 tỷ đồng.
Ngoài ra, dòng tiền tài chính cũng tăng lên 1.902 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền thu từ đi vay năm 2024 tăng mạnh 79% so với thời điểm cuối năm 2023 lên 7.297 tỷ đồng. Tiền trả nợ gốc vay ghi nhận 5.684 tỷ đồng và tiền chi trả nợ gốc thuê tài chính là 16 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, cổ đông CC1 thông qua kế hoạch dự kiến phát hành thêm 232,2 triệu cổ phiếu gồm 32,2 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành để trả cổ tức năm 2023 và 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Thời gian dự kiến trong năm 2024.
Theo nghị quyết, mục đích phát hành nhằm nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trong năm qua, CC1 đã không thực hiện được kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ này.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng nợ phải trả của CC1 tăng 12% lên 12.161,5 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,65 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó: nợ ngắn hạn là 8.367,9 tỷ đồng và nợ dài hạn là 3.793,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm kết thúc năm 2024, dư nợ tài chính của CC1 ở mức 6.020 tỷ đồng, tương ứng tăng đột biến 40% so với đầu năm. Nếu so với tổng nguồn vốn, số nợ vay tài chính này chiếm 36%.
Thuyết minh báo cáo tài chính của CC1 cho thấy, các khoản vay ngắn hạn của CC1 chịu lãi suất ở mức 5 - 9,5%/năm.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Huấn xin từ nhiệm
Ngày 3/2/2025, ông Nguyễn Văn Huấn – Chủ tịch HĐQT CC1 đã gửi đơn xin từ nhiệm. Nguyên nhân do ông Huấn cần dành nhiều thời gian cho vai trò lãnh đạo tại CC1 Holdings để tiếp tục định hình và phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh mới của CC1 Hldings.
Theo đó, ông Huấn - người đã dẫn dắt CC1 kể từ khi thoái vốn hoàn toàn vào cuối năm 2020 cho biết, ông không thể sắp xếp thời gian đảm nhận và hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ do HĐQT CC1 giao phó.
Cùng ngày, CC1 có thông báo thay đổi nhân sự, bổ nhiệm ông Phan Hữu Duy Quốc – Thành viên HĐQT độc lập đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 3/2/2025.
Dữ liệu báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 cho biết, ông Nguyễn Văn Huấn đang sở hữu 11,02% vốn của CC1; CTCP CC1-Holidngs sở hữu 10% vốn của CC1. Còn lại 78,98% là các cổ đông khác.