CEO WiGroup Trần Ngọc Báu: "Chứng khoán là kênh có lợi nhuận vượt trội so với các kênh khác"

07/07/2023 07:00 GMT+7
Nhận định về các kênh đầu tư 6 tháng cuối năm, theo quan điểm của Founder & CEO WiGroup Trần Ngọc Báu, chứng khoán là kênh có lợi nhuận vượt trội so với các kênh khác. Dù vậy, trong sóng lên của chứng khoán, với tình trạng sức khỏe yếu của DN như hiện tại, sóng lên khá bập bềnh.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới: Chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái…

GDP quý II/2023 tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Theo Tổng cục Thống kê, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Với mức tăng này, GDP 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng khoảng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng là do dùng quá nhiều đòn bẩy?

Bàn luận về tình hình kinh tế vĩ mô thời trên Kênh Tài chính Kinh Doanh mới đây, Founder & CEO WiGroup Trần Ngọc Báu cho rằng, nền kinh tế trong nước đang ở giai đoạn xấu nhất tuy nhiên chưa phải giá quá đắt trong đợt suy thoái vừa rồi. "Trong khi chúng ta cần một cú rượt lớn, toàn cầu lại cố gắng biến thành một cú rượt nhỏ, cũng như trái bóng mới "xì" một chút, chúng ta lại kích tiếp để trái bóng lớn hơn. Dù đáng mừng vì suy thoái không đến sớm nhưng đồng nghĩa với việc, suy thoái sẽ như một quả bom nổ chậm và chúng ta lại dùng tiền để hỗ trợ nó. Đến một ngày, những vấn đề suy yếu lại xảy ra", anh Báu cho biết.

Trong thời gian qua, toàn cầu đã cố gắng và thành công trong việc kịp thời hỗ trợ, khiến cơn sóng suy thoái lớn trở thành một cú rung lắc nhỏ. Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam gặp suy thoái kép "trong công, ngoài kích", gần như ở mức xấu nhất khi không chỉ chịu ảnh hưởng suy thoái toàn cầu. Nội tại cũng yếu hơn khi các doanh nghiệp Việt Nam rất nhạy với lãi suất, đòn bẩy doanh nghiệp cao.

Theo ông Báu, chính vì lợi thế cạnh tranh và hiệu quả năng suất lao động thấp nên kinh tế Việt Nam tăng trưởng là do dùng quá nhiều đòn bẩy. Để tăng trưởng kinh tế 7 – 8%, chúng ta cần tăng trưởng tín dụng mỗi năm trong khoảng 15 – 20%. Vậy nên, khi tăng trưởng tín dụng ngưng lại, lãi suất tăng gần như sẽ khiến doanh nghiệp "ngộp thở".

Nếu nhìn vào phân tích kinh tế vĩ mô, cung suy kiệt mà kích cầu bằng việc giảm lãi, chúng ta sử dụng chính sách bơm tiền để hỗ trợ tốt hơn. Tuy nhiên, khi cầu phục hồi mà nguồn cung không theo kịp sẽ dẫn đến giá cả mặt hàng tăng nhanh và ảnh hưởng lạm phát.

Dù hiện tại, lạm phát ở mức tương đối thấp nhưng trong vòng 1 – 2 năm tới, nguồn cung sau thời gian dài bị "tra tấn" khốc liệt, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu do dùng đòn bẩy mạnh, lợi thế cạnh tranh thấp và năng suất thấp hơn toàn cầu, khả năng phục hồi có thể xảy ra chậm hơn.

Chứng khoán là kênh có lợi nhuận vượt trội so với các kênh khác

Cũng theo ông Báu, từ quý IV/2022, kinh tế bắt đầu có những tín hiệu khó phục hồi lại như trước Covid. Những tín hiệu đầu tiên cho thấy điều này đến từ nhóm khu vực công nghiệp và xuất nhập khẩu. Nhóm khu vực nông nghiệp duy trì đều ổn định, tuy nhiên, nhược điểm của khu vực nông nghiệp là chiếm trọng số thấp và tăng trưởng ở mức 3%/năm. Nhóm khu vực dịch vụ dù tăng trưởng chậm và yếu hơn nhưng về cơ bản, đây vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Do vậy, để tăng trưởng bứt tốc đối với nền kinh tế cần lấy được động lực từ khu vực kéo tăng trưởng kinh tế xuống thấp nhất là công nghiệp.

Nhưng nếu chỉ tập trung tăng trưởng kinh tế mà để lạm phát vượt lên sẽ rủi ro rất lớn. Ông Báu cho rằng lạm phát trong 6 tháng cuối năm dự kiến ở mức tối đa 3%. Năm 2023, giá tiêu dùng (CPI) gần như đi ngang, có thể đang ở giai đoạn thẩm thấu chậm và khả năng tăng trưởng nhẹ từ giờ tới cuối năm. 

6 tháng cuối năm 2023: Nền kinh tế Việt Nam kì vọng ánh sáng ở cuối con đường - Ảnh 1.

Lạm phát dự kiến. Ảnh: Tài chính & Kinh doanh

Vị CEO này nhận định, nếu khả quan, tăng trưởng kinh tế quý III, IV/2023 ở mức 7% - mức phục hồi cực kỳ tích cực như trước giai đoạn Covid, GDP cả năm 2023 chỉ tăng trưởng quanh mức 5,4% - thấp hơn mức GDP Chính phủ đề ra. 

Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Minh Tuấn – CEO Công ty AFA Capital, Sáng lập TOPI cho rằng, không nên đạt KPI bằng mọi giá. "Kinh nghiệm của tôi là không nên nhìn vào số mà nên nhìn nhận bằng thực tế. Năm nay, GDP có thể không đạt KPI nhưng nhìn vào bối cảnh chung, chính sách tiền tệ và tài khóa năm sau diễn ra như thế nào? Chính sách tiền tệ và tài khóa chỉ là giải quyết vấn đề ngắn hạn trong 1 năm nhưng gây ra những hậu quả lâu dài", anh Tuấn nói.

6 tháng cuối năm 2023: Nền kinh tế Việt Nam kì vọng ánh sáng ở cuối con đường - Ảnh 2.

So sánh các kênh đầu tư nửa đầu năm 2023. Ảnh: Tài chính & Kinh doanh.

Nhận định về các kênh đầu tư 6 tháng cuối năm, theo quan điểm anh Báu, chứng khoán là kênh có lợi nhuận vượt trội so với các kênh khác. Từ đầu năm 2023, thị trường chứng khoán tăng trưởng khoảng 12%. Dù vậy, trong sóng lên của chứng khoán, với tình trạng sức khỏe yếu như hiện tại, sóng lên khá bập bềnh.

Gửi tiết kiệm bứt tốc khá mạnh vào giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023. Mặt bằng chung của lãi suất tiết kiệm chỉ cần gửi nửa năm đã đạt 6% nếu như gửi tại thời điểm đầu năm 2023. Như vậy, kênh gửi tiết kiệm 6 tháng đầu năm được 6%.

Nửa cuối năm 2023, dự báo ngân hàng nhà nước sẽ quyết liệt và thẩm thấu rõ rệt hơn. Do đó, chứng khoán vẫn là kênh chiếm ưu thế so với những kênh khác. Tuy nhiên, chúng ta cần có tháp tài sản nhiều lớp và cần quan tâm trong tình hình vĩ mô, cần chuẩn bị danh sách đầu tư, thời điểm cắt lỗ… Trong chu kỳ hiện tại, lớp tăng trưởng tài sản cổ phiếu đang nhận được sự ưu tiên nhất định.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục