Chàng giảng viên đam mê giải mã chuỗi sản phẩm cây dược liệu quý

22/12/2021 16:42 GMT+7
45 tuổi, thạc sĩ Nguyễn Trần Vũ (Trưởng bộ môn Trồng trọt - Lâm nghiệp, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Phú Yên) đã tham gia chủ trì nhiều đề tài bảo tồn, phát triển cây rừng đặc hữu, có giá trị dược liệu, đem thu nhập kinh tế cộng đồng.

Nhắc đến Vũ "rừng", những người quen biết đều ấn tượng ở anh với niềm đam mê tạo dựng chuỗi sản phẩm mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho người dân tại khu vực nghiên cứu để bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Chàng giảng viên đam mê giải mã chuỗi sản phẩm cây dược liệu quý - Ảnh 1.

Nguyễn Trần Vũ đang kiểm tra vườn đồi trồng sim rừng . Ảnh: Hùng Phiên

Leo núi săn dược liệu

Vũ kể: "Cách đây 5 năm, nhóm chúng tôi bắt đầu vào cuộc nghiên cứu bảo tồn, phát triển các loài dược liệu đặc hữu của tỉnh Phú Yên. Vốn "dân rừng", chúng tôi vào cuộc tìm hiểu và lập tức ôm ba lô lên núi".

Để có được những thành công ban đầu, Vũ không quên nhắc đến những động viên, gợi ý tâm huyết của những người anh làm nghiên cứu ở Đại học Phú Yên "cần làm gì đó để phát triển tiềm năng trong khu vực".

Miệt mài băng rừng khảo sát, nhóm của Vũ đã phát hiện cây sim rừng Phú Yên là loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Sim mọc rất nhiều trong tự nhiên nhưng có nguy cơ thu hẹp dần trước áp lực của việc phát dọn và đốt thực bì để trồng keo.

Thời gian sau, các anh được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên giao nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây cam thảo Đá Bia. Đây là loài dược liệu quý hiếm, trên thế giới hiện chỉ còn thấy phân bố tại khu vực núi Đá Bia (thị xã Đông Hòa, Phú Yên).

Chàng giảng viên đam mê giải mã chuỗi sản phẩm cây dược liệu quý - Ảnh 2.

Điểm nhân giống cây sim rừng tại xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên

"Đến với cây cây cam thảo Đá Bia, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Vì là loài có nguy cơ tuyệt chủng nên số lượng cá thể ngoài rừng còn rất ít. Phải nhờ may mắn, sau gần 3 tháng, chúng tôi mới được người dân địa phương chỉ ra nơi loài cây này còn tồn tại", Vũ cho hay.

Đến nay, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được mô hình trồng cây sim rừng theo hướng phát triển du lịch tại khu vực Gò Thì Thùng thuộc xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên. Nghiên cứu quy trình nhân giống nuôi cấy mô và đề xuất các giải pháp bảo tồn cây cam thảo Đá Bia tại thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Nghiên cứu và phát triển cây chè Mã Dọ tại thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Những thành tựu bước đầu này đang được kết nối, tạo tiềm năng việc làm, thu nhập khá cho nông dân vùng triển khai đề tài nghiên cứu.

Vượt qua thách thức

Thế nhưng không hề đơn giản trong câu chuyện từ tìm kiếm, di thực đến nhân giống cây dược liệu đặc hữu. Vũ bày tỏ: "Việc tìm để xác định loài đã khó, việc lấy mẫu và giữ mẫu để nhân giống lại càng vô cùng khó khăn. Tôi nghĩ, làm nghiên cứu khoa học là phải chịu đựng thách thức, áp lực".

Chàng giảng viên đam mê giải mã chuỗi sản phẩm cây dược liệu quý - Ảnh 3.

Nhà ươm giống cây cam thảo Đá Bia. Ảnh: Hùng Phiên

Với cây sim rừng, nhóm nghiên cứu đã thuê gần 100 công lao động để vào các khu rừng trồng của dân, rồi tìm đào, di thực từng cây sim về trồng lại. Tiếp đó, cách anh đã nhân giống thành công, lên kế hoạch sản xuất rượu vang sim, mứt sim, kẹo sim và trà hoa sim rừng. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang liên kết với người dân để trồng mở rộng vùng nguyên liệu và cam kết thu sản phẩm hoa, quả sim cho bà con.

Với cây cam thảo Đá Bia, ban đầu nhóm di thực được 6 cây về vườn để chăm sóc, lấy mẫu nuôi cấy mô. Tuy nhiên, toàn bộ những mẫu cấy mô đã bị sự cố, hư hỏng. Với phương châm "không gì là không thể", nhóm tiếp tục quay lại rừng để lấy mẫu, rồi nhân giống thành công. Lúc này, nhóm đã cho ra vườn hơn 30.000 cây giống, tiến hành hợp tác với các đơn vị và người dân để trồng, phát triển sản phẩm hàng hóa. Hoạt chất dược liệu cam thảo Đá Bia đã được khẳng định giá trị rất cao nên đây là sản phẩm nhiều tiềm năng kinh tế khi được đầu tư tương xứng.

Với cây chè Mã Dọ ở khu vực đèo Cù Mông (Sông Cầu, Phú Yên), cũng phải sau nhiều tháng ròng, nhóm nghiên cứu mới nhân giống thành công. Hiện dự án đã có được hơn 20.000 cây giống, đang liên kết trồng trên 100ha. Loại chè này trên thị trường đang có giá đến 2,5 triệu đồng/kg.

Chàng giảng viên đam mê giải mã chuỗi sản phẩm cây dược liệu quý - Ảnh 4.

Nhóm nghiên cứu Đại học Phú Yên đang đánh giá phát triển vườn đồi sim rừng. Ảnh: Hùng Phiên

Ths.Trần Thanh Quang (Đại học Phú Yên) chia sẻ: "Anh Vũ đã "thổi" tâm huyết cho cả nhóm trong quá trình nghiên cứu những cây dược liệu giàu tiềm năng kinh tế. Chúng tôi không muốn những đề tài nghiên cứu của mình… nằm trên bàn giấy. Tất cả hướng đến sự phát triển kinh tế bền vững tại khu vực miền núi Phú Yên".

Tạo sinh kế cộng đồng

Theo Ths.Nguyễn Trần Vũ, từ đề tài khoa học đến đưa ra phát triển sản xuất kinh doanh là một khoảng cách lớn. "Phải tính toán kỹ lưỡng trên cả "hai chân", nếu không khéo lẫn lộn thì dễ dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, tôi may mắn có được nhóm nghiên cứu với đầy đủ chuyên môn về thực vật học, nông - lâm nghiệp, công nghệ chế biến, quản trị kinh doanh.… Khi gặp khó khăn ở khâu nào thì nhóm đó sẽ giải quyết", anh Vũ khẳng định.

Lúc này tại xã An Xuân, nhóm nghiên cứu đã đưa ra vườn đồi trồng gần 100.000 cây sim, đang phát triển rất tốt. Nhóm dự án đang trển khai liên kết với bà con địa phương để mở rộng vùng nguyên liệu. Theo hợp đồng cam kết, khi người dân nhập sim giống về trồng, dự án sẽ trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật và thu mua trọn gói sản phẩm quả.

Anh Vũ cho biết thêm: "Nhóm công nghệ chế biến hiện đã có được quy trình hoàn chỉnh sản xuất rượu vang từ quả sim rừng. Chúng tôi rất tự tin về chất lượng rượu vang sim có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để khẳng định việc trồng sim có hiệu quả hơn cây keo nguyên liệu giấy rất nhiều, xét về các yếu tố môi trường, dược liệu, kinh tế và xã hội".

Thực tế với cây sim, sau 3 năm trồng cho thu quả hàng năm, không trồng lại, cây càng to càng nhiều quả, về sau có giá trị lớn về cây cảnh. Với mật độ trồng 1.666 cây/ha (2m x 3m), mỗi cây thu 2kg quả. Với giá bán quả sim 20.000 đồng/kg, sẽ cho doanh thu 66.640.000 đồng/ha/năm. Đây là mức thu đảm bảo lợi nhuận ổn định cho người trồng, chưa tính khoản thu khi du khách đến tham quan đồi sim.

Trong khi đó, thực tế tại Phú Yên, chu kỳ trồng keo phải 5 năm mới thu hoạch, với doanh thu chỉ khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.

Chàng giảng viên đam mê giải mã chuỗi sản phẩm cây dược liệu quý - Ảnh 5.

Nguyễn Trần Vũ (phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra chi tiết phát triển giống cây cam thảo Đá Bia cấy mô. Ảnh: Hùng Phiên

Ông Nguyễn Văn Chín (nông dân ở xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên) cho biết: "Tôi đang chuẩn bị đất để trồng sim rừng do nhóm anh Vũ cung cấp giống. Bà con ở đây đã thấy thực tế phát triển hiệu quả từ các vườn đồi sim của mô hình dự án. Quan trọng là nông dân chúng tôi được ký cam kết hỗ trợ kỹ thuật, thu mua toàn bộ sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận cao hơn việc trồng keo bán làm nguyên liệu giấy. Tôi thấy đất đai vùng này rất hợp với cây sim. Một hướng làm kinh tế triển vọng cho nông dân miền núi".

"Anh Nguyễn Trần Vũ là một giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học. Ngoài thời gian giảng dạy, anh ở trên núi rừng nhiều hơn ở nhà.

Nhóm nghiên cứu của anh là những giảng viên trong và ngoài trường có cùng đam mê, mỗi người một lĩnh vực, đã tập trung nghiên cứu bảo tồn và phát triển những loài cây đặc hữu có giá trị dược liệu, kinh tế cao. Tiếp đó là xây dựng thành chuỗi sản phẩm từ việc nhân giống, trồng thực nghiệm, hình thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tôi đánh giá cao mục tiêu của anh Vũ là luôn "đảm bảo phát triển hiệu quả về môi trường, kinh tế và xã hội", hướng đến phát triển sinh kế cho người dân tại khu vực nghiên cứu để bảo vệ và phát triển rừng bền vững" (Tiến sĩ Trần Lăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên)


Hùng Phiên
Cùng chuyên mục