Chè Việt Nam xuất khẩu sang Nga giảm mạnh, tương lai sẽ ra sao?
Ước tính của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 02/2022 xuất khẩu chè của Việt Nam chỉ đạt 6 nghìn tấn, trị giá 8 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 26,8% về trị giá so với tháng 02/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 15 nghìn tấn, trị giá 23 triệu USD, giảm 5,4% về lượng và giảm 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 02/2022 ước đạt 1.327,6 USD/tấn, giảm 17,6% so với tháng 02/2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.515,2 USD/tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 01/2022, xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên giá chè xuất khẩu bình quân sang thị trường này giảm 9,5% so với tháng 01/2021, ở mức 1.795,1 USD/tấn.
Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Nga đạt 998 tấn, trị giá 1,7 triệu USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 0,8% về trị giá so với tháng 01/2021. Giá chè xuất khẩu bình quân của ta sang thị trường Nga đạt 1.737,6 USD/tấn, tăng 12,9% so với tháng 01/2021.
Đáng chú ý, chè xuất khẩu sang thị trường Ả rập Xê út, Ấn Độ, Indonesia tăng rất mạnh trong tháng 01/2022. Trong khi đó, xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc giảm mạnh.
Xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc giảm rất mạnh trong tháng 01/2022, chỉ đạt 159 tấn, trị giá 180 nghìn USD, giảm 86,3% về lượng và giảm 89,5% về trị giá so với tháng 01/2021.
Xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh là do có nhiều ngày nghỉ vào dịp lễ Tết Nguyên đán, cộng với hoạt động thông quan hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này rất chậm do Trung Quốc siết chặt việc kiểm tra hàng hóa để phòng chống dịch bệnh.
Thực tế, các doanh nghiệp đang rất lo lắng về việc xuất khẩu chè sang Nga sẽ bị đứt gãy tới đây. Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Nga, trong năm 2021 Nga nhập khẩu chè đạt 158 nghìn tấn, trị giá 443 triệu USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 7,0% về trị giá so với năm 2020. Giá chè nhập khẩu bình quân đạt 2.804 USD/tấn, tăng 3% so với năm 2020. Năm nay, tình hình chiến sự xảy ra, thị trường này khó có thể duy trì lượng và giá xuất khẩu như năm 2021.
Về thị trường cung ứng sản phẩm chè cho Nga gồm: Ấn Độ, Kenya, Xrilanka. Đây là 3 thị trường cung cấp chè lớn nhất cho Nga trong năm 2021, lượng nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 61,8% tổng lượng chè Nga nhập khẩu. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Ấn Độ đạt 35,5 nghìn tấn, trị giá 95,1 triệu USD, giảm 11% về lượng, nhưng tăng 3,5% về trị giá do giá nhập khẩu bình quân chè từ Ấn Độ tăng mạnh.
Tiếp theo là thị trường Kenya đạt 32,5 nghìn tấn, trị giá 68,6 triệu USD, tăng 36,8% về lượng và tăng 27,7% về trị giá so với năm 2020, tỷ trọng nhập khẩu chè từ Kenia tăng 4,9 điểm phần trăm so với năm 2020.
Thị trường Xrilanka cung cấp chè với giá nhập khẩu bình quân ở mức cao, đạt 3.760,6 USD/tấn, tuy nhiên lượng và trị giá nhập khẩu từ thị trường này đều giảm trong năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 5 cho thị trường Nga, giá chè nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức thấp, chỉ đạt 1.776,5 USD/ tấn, lượng và trị giá chè nhập khẩu từ Việt Nam đều giảm trong năm 2021.
Không chỉ Việt Nam, theo nguồn economictimes. indiatimes.com, những người trồng và xuất khẩu chè Ấn Độ cũng đang rất lo lắng về tác động có thể xảy ra đối với các chuyến hàng của họ đến Nga, thị trường mua chè lớn thứ hai của Ấn Độ, sau cuộc khủng hoảng Nga và Ukraine.
Thị trường Nga đối với chè của Ấn Độ cực kỳ quan trọng vì liên quan đến các vấn đề thanh toán cho các chuyến hàng đến Iran, một điểm đến xuất khẩu chè quan trọng khác của Ấn Độ. Khoảng 18% các chuyến hàng chè xuất khẩu của Ấn Độ được đưa đến Nga.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Ấn Độ, xuất khẩu chè của Ấn Độ sang Nga sẽ bị ảnh hưởng bất lợi trong mùa sắp tới. Tuy nhiên, những ảnh hưởng cũng chưa tác động trực tiếp tới ngành chè Ấn Độ, bởi mùa vụ của nước này bắt đầu từ diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu chè của Ấn Độ trong thời gian tới.
Tác động rõ rệt nhất là trị giá của đồng Ruble Nga giảm so với đồng USD. Khi đồng Ruble giảm thì khả năng thanh toán của các nhà nhập khẩu cũng sẽ giảm. Nếu các chuyến hàng xuất khẩu chè sang Nga bị ảnh hưởng, sẽ dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu tại thị trường Ấn Độ, điều này sẽ dẫn tới giá giảm.
Chè đen là chủng loại chính Nga nhập khẩu trong năm 2021, đạt 143,4 nghìn tấn, trị giá 395,6 triệu USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 6% về trị giá so với năm 2020. Giá chè đen nhập khẩu bình quân đạt 2.758,7 USD/tấn, tăng 2,4% so với năm 2020. Nga nhập khẩu chè đen chủ yếu từ thị trường Ấn Độ, Kenia và Xrilanka. Nhập khẩu chè đen của Nga từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng thấp và giảm mạnh trong năm 2021.
Tiếp theo là chủng loại chè xanh Nga nhập khẩu trong năm 2021 đạt 14,5 nghìn tấn, trị giá đạt 46,9 triệu USD, tăng 9,8% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với năm 2020. Trung Quốc là thị trường cung cấp chính chủng loại chè xanh cho Nga trong năm 2021, với lượng chiếm 82,9% tổng lượng chè xanh Nga nhập khẩu. Việt Nam chỉ cung cấp một lượng nhỏ chè xanh cho Nga, nhập khẩu chè xanh của Nga từ Việt Nam trong năm 2021 tăng.