Chỉ đích danh 6 rủi ro, thách thức chính nền kinh tế phải đối mặt trong nửa cuối năm

10/07/2024 15:18 GMT+7
Nợ xấu và tỷ giá tăng dù trong tầm kiểm soát, thị trường vàng còn nhiều biến động; thực thi chính sách còn bất cập, môi trường đầu tư - kinh doanh chậm cải thiện, một số đầu tàu kinh tế tăng trưởng thấp hơn tiềm năng. Đây là một trong số 6 rủi ro, thách thức chính nền kinh tế phải đối mặt.

Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, nền kinh tế phải đối mặt với 6 rủi ro, thách thức chính.

Một là, bốn rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu như: khủng hoảng địa chính trị dai dẳng, khó đoán định (đặc biệt xung đột tại Ukraina, Biển Đỏ, Trung Đông…), cạnh tranh chiến lược về thương mại và công nghệ giữa các nước lớn còn phức tạp, làm tăng phân mảnh và bảo hộ thương mại; lạm phát và lãi suất dù giảm song còn cao; rủi ro tài khóa và nợ ở mức cao, khiến kinh tế thế giới phục hồi còn chậm và thiếu bền vững; rủi ro an ninh năng lượng, lương thực và thiên tai, khí hậu cực đoan vẫn thường trực…

Hai là, một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững.

Theo đó, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% chỉ bằng khoảng 66% mức tăng trung bình của cùng kỳ giai đoạn trước dịch 2018-2019 (8,6%); lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh (58,4%) nhưng doanh thu lưu trú - ăn uống và du lịch lữ hành nửa đầu năm 2024 chỉ tăng 14,8%, thấp hơn mức trước dịch. Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng tiết kiệm của du khách.

Ngoài ra, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78%, cao hơn cùng kỳ các năm 2020-2023 song vẫn nhưng thấp hơn mức trước dịch (nửa đầu năm 2019 tăng 7,05%).

Đầu tư tư nhân tăng 6,7%, cao hơn mức 2,1% cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 17% cùng kỳ giai đoạn trước dịch 2018-2019 và thấp hơn khu vực FDI (10,3%).

Đồng thời, thể chế cho các động lực tăng trưởng mới, nhất là thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng (đặc biệt là cơ chế thử nghiệm sandbox cho Fintech và các nền tảng số; danh mục phân loại xanh, Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam; tiêu chí đo lường quy mô, đóng góp của kinh tế số theo chuẩn quốc tế…) còn chậm ban hành so với yêu cầu phát triển.

Chỉ đích danh 6 rủi ro, thách thức chính nền kinh tế phải đối mặt trong nửa cuối năm- Ảnh 1.

Ba là, cơ cấu lại nền kinh tế, gồm cả các DNNN, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu.

Nhóm nghiên cứu nêu rõ, tiến trình cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn DNNN còn chậm (trong 6T/2024, chưa có DNNN nào được cổ phần hóa theo kế hoạch; số tiền thu được từ thoái vốn mới chỉ đạt khoảng 4% kế hoạch năm); việc cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém còn chậm so với yêu cầu do quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn trong định giá tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp.

Sự chậm trễ này làm tăng nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế khiến việc phân bổ nguồn lực khó đạt hiệu quả cao và chi phí tốn kém, đòi hỏi quyết liệt hơn thời gian tới.

Bốn là, hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn dù đã có dấu hiệu khởi sắc.

Trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt gần 120 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (110 nghìn doanh nghiệp) là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 18,6% so với cùng kỳ do các vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời (đặc biệt là thị trường đất đai, BĐS); áp lực tài chính (áp lực đáo hạn nợ vay và nợ TPDN) và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao (chi phí logistics tăng, giá năng lượng tăng…).

Năm là, nợ xấu và tỷ giá tăng dù trong tầm kiểm soát, thị trường vàng còn nhiều biến động.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 4/2024 ở mức 4,93%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022; dư nợ xấu tăng 8,61% so với đầu năm. Nếu bóc tách nợ xấu của 5 TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Dù vẫn trong tầm kiểm soát song là thách thức lớn khi Luật các TCTD 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các TCTD.

Trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,9% với đầu năm. Dự báo áp lực tỷ giá sẽ giảm dần từ này đến cuối năm 2024 cũng như đầu năm tới khi chênh lệch lãi suất VND và USD thu hẹp trong bối cảnh Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất (trong tháng 9/2024 và có thể thêm một lần nữa cuối năm 2024), cung – cầu ngoại tệ được cân đối và thị trường vàng ổn định hơn.

Với thị trường vàng, dù giá vàng trong nước đã hạ nhiệt và chênh lệch giá vàng SJC và giá vàng thế giới được thu hẹp đáng kể song vẫn cần quyết liệt, nhất quán hơn và có giải pháp căn cơ hơn như bỏ độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng miếng, sửa đổi Nghị định 24/2012, minh bạch hóa giao dịch vàng, có chế tài nghiêm minh với các hành vi vi phạm, buôn lậu…để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Sáu là, thực thi chính sách còn bất cập, môi trường đầu tư - kinh doanh chậm cải thiện, một số đầu tàu kinh tế tăng trưởng thấp hơn tiềm năng.

Việc ban hành văn bản, kế hoạch hành động triển khai các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ còn chậm, chưa đồng bộ, dẫn đến chưa có nhiều chuyển biến trong môi trường đầu tư - kinh doanh (Chỉ số PCI 2023 của Hà Nội giảm 8 bậc, Đà Nẵng giảm 7 bậc so với năm 2022...); nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia thấp; một số đầu tàu có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp so với bình quân cả nước trong 6T/2024 và dưới tiềm năng (như GRDP Hà Nội tăng 6%, Cần Thơ tăng 5,73%, Đà Nẵng tăng 5%, TP.HCM 6,46%...v.v., thấp hơn hoặc tương đương mức tăng của cả nước là 6,42%).

H.Anh
Tags:
Cùng chuyên mục