Chỉ thị số 40-CT/TW: Tạo dấu ấn trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại Đà Nẵng
Ngày 22/7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Được biết, những năm qua nhờ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Trao sinh kế cho người dân
Ông Đoàn Ngọc Chung – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong những năm qua, Thành ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền xem việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; quan tâm, chủ động bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH gắn việc huy động và sử dụng nguồn vốn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp.
Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên quan tâm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.... Số liệu đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ ủy thác đạt 4.940,66 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,58% tổng dư nợ.
Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đạt 5.022,72 tỷ đồng, tăng 311,77% so với năm 2014. Nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH từ khi có Chỉ thị số 40 đạt 2.113,95 tỷ đồng (trong đó: thành phố tăng 2.102,6 tỷ đồng, huyện Hòa Vang tăng 11,3 tỷ đồng), nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến ngày 30/6/2024 đạt 2.204,56 tỷ đồng.
Để minh chứng cho hiệu quả nguồn vốn tín dụng sách, chúng tôi cùng cán bộ NHCSXH đến thăm hộ gia đình anh Võ Ngọc Minh (43 tuổi, trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).
Trong căn nhà hai tầng còn nhiều phần chưa hoàn thiện, anh Võ Ngọc Minh bùi ngùi nhớ lại: "Ngày xưa gia đình tôi khổ lắm, sống trong một căn nhà tạm lụp xụp, 2 vợ chồng không có việc làm ổn định, 4 đứa con lại đang tuổi ăn học. Rồi thời gian sau vợ đổ bệnh, khó khăn chồng chất khó khăn, tôi trở thành trụ cột chính của gia đình, vừa chăm sóc con cái, vừa gồng gánh kinh tế".
Nhận thấy cánh đồng trước nhà bỏ trống lâu năm, thuận lợi cho việc chăn thả bò, anh Minh mạnh dạn vay vốn từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang để mua một con bò giống về nuôi, hi vọng phát triển kinh tế cho gia đình.
Vừa có vốn, vừa được địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, vợ chồng anh luôn lao động cần cù, chịu khó. Từ 1 con bò giống ban đầu, hiện nay gia đình đã phát triển đàn bò lên số lượng 9 con. Trung bình mỗi năm xuất bán 2 con bò, anh Minh có thu nhập gần 30 triệu đồng.
Nhờ vốn NHCSXH mà anh Minh có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Hiện nay, gia đình anh Minh đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hay hộ gia đình anh Võ Văn Nên (46 tuổi, trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) từng lăn lộn nhiều năm với nghề kỹ sư cầu đường. Nhưng công việc vất vả, xa gia đình mà thu nhập bấp bênh, nên anh quyết định về quê khởi nghiệp và đã thành công với nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình.
Tạm dừng dây chuyền sản xuất, anh Nên chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề làm bánh tráng suốt 8 năm qua: "Ngày trước tôi làm kỹ sư cầu đường, nhưng công việc cực nhọc, thường xuyên xa nhà, lại thu nhập bấp bênh. Nhận thấy nghề làm bánh tráng cuốn truyền thống của gia đình cho lợi nhuận khá và thị trường tiêu thụ rộng mở, nên tôi đã ấp ủ dự định khởi nghiệp.
Khoảng năm 2016, tôi quyết định nghỉ việc và xây dựng xưởng sản xuất, đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại để phát triển nghề làm bánh tráng theo hướng sản xuất công nghiệp, nhằm tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Từ số vốn vay của NHCSXH và tích góp được, anh đầu tư 350 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng rộng 200m2, trang bị máy móc hiện đại gồm: máy xay bột, máy tráng bánh tự động, lò sấy bánh bằng điện và kho trữ hàng.
Qua nhiều năm nỗ lực, anh Nên đã khởi nghiệp thành công với nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình, cho lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Cùng với đó, anh tạo việc làm thường xuyên cho 6-8 lao động là chị em phụ nữ tại địa phương lúc nông nhàn. Tiền công được trả theo sản lượng gạo làm mỗi ngày, bình quân mỗi nhân công được trả 200.000-300.000 đồng/ngày.
Tăng cường nguồn vốn chính sách cho hộ nghèo
Ông Chung cho biết, hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện 26 chương trình tín dụng, tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2014 đến nay đạt 11.090,55 tỷ đồng, với 247.164 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 7.718,04 tỷ đồng.
Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.011,73 tỷ đồng, tăng 3.794,70 tỷ đồng so năm 2014, với 85.919 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 58,33 triệu đồng, tăng 43,18 triệu đồng so năm 2014. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
Ông Chung chia sẻ, thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của thành phố Đà Nẵng, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, "tín dụng đen", đặc biệt là những vùng nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trước 2 năm, với 20.293 hộ thoát nghèo (có 6.514 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương); tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 140.400 lao động; 10.946 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng, nâng cấp, cải tạo 49.795 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường mới.
Đồng thời, giúp người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang có nguồn vốn để xây dựng hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước và hệ thống vệ sinh trong nhà đảm bảo an toàn về sức khỏe và phòng chống ô nhiễm môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện....
"Hiện nay nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang phát huy hiệu quả, luôn bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng và các Phòng giao dịch trực thuộc sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, cùng với địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…", ông Đoàn Ngọc Chung – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.