Chiến lược dài hơi cho nông nghiệp sạch
Điểm qua các sản phẩm rau sạch trên mạng, cửa hàng thực phẩm an toàn, phiên chợ nông sản…, số lượng hàng hóa của các bạn trẻ chưa nhiều, nhưng là tín hiệu đáng mừng. Chốn “hẹn hò” thân quen để các ông bà chủ trẻ giới thiệu sản phẩm nhà nông vẫn là các phiên chợ do hiệp hội, đoàn thể tổ chức. Ngược lại, phần lớn thương hiệu nông nghiệp đã có tên tuổi đi thẳng vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…
Theo chia sẻ của Hoàng Anh, chuyên phân phối mặt hàng nông sản sạch nhà trồng tại quận 7 (TPHCM), hàng hóa như rau củ quả tươi, sấy khô xuất xứ Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Tháp… phân phối cho thị trường ngách. Bởi các nhà sản xuất chỉ cung ứng với quy mô nhỏ, liên kết với nhau đưa ra thị trường. Người mua cũng là khách lẻ, các bà nội trợ trẻ.
“Về lâu dài, các bạn trẻ này sẽ đi theo con đường khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng nói thực rất khó cạnh tranh trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đầu tư nhà vườn chuyên nghiệp như hiện nay. Hàng loạt nhà vườn thuê chuyên gia nước ngoài giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật, quy mô đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng tại Lâm Đồng là ví dụ”, Hoàng Anh nhận định.
Giám đốc một công ty chuyên về rau thủy canh tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) chia sẻ, để sản phẩm có chỗ đứng tạm xem là ổn định trên thị trường, thường phải mất khoảng 4-5 năm. Mô hình sản xuất rau sạch thủy canh của anh cũng vậy. Với số vốn bỏ ra làm vườn hơn 2 tỷ đồng, nhưng lứa rau đầu tiên thất bại. Khi khắc phục được, đưa rau đẹp, an toàn ra thị trường, cuộc cạnh tranh mới chính thức bắt đầu. Mặc dù sản phẩm đáp ứng các tiêu chí an toàn, quy trình sạch khép kín, đạt chứng nhận VietGAP nhưng giá bán hầu như không chênh lệch nhiều so với sản phẩm bình thường bán ngoài chợ.
Các sản phẩm rau quả của vị giám đốc trên hiện đã có mặt tại Co.opMart, BigC nhưng lợi nhuận cực kỳ khiêm tốn và con đường sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Chính tiểu thương các chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) cũng từng nhiều lần tâm sự rằng, có những đợt, rau sạch được chào bán tại chợ với giá mắc hơn hàng thường chỉ vài ngàn đồng mỗi ký. Chính điều này đã làm nhụt chí các nhà khởi nghiệp trẻ.
Bài toán “nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn tuần tự lặp lại nhiều năm. Đây cũng là thực tế của ngành nông nghiệp, mà người trẻ khởi nghiệp nên lưu tâm, chuẩn bị ứng phó với thách thức này trước khi hào hứng bắt tay vào công việc. Trong cuộc hội thảo về nông nghiệp sạch mới đây, một chuyên gia kinh doanh khuyến nghị rằng: Các bạn trẻ nếu muốn khởi nghiệp bằng con đường nông sản sạch, hãy đáp ứng luôn các tiêu chuẩn GlobalGAP để định hướng xuất khẩu, thay vì chỉ cung ứng trong nước với tiêu chuẩn VietGAP thông thường. Khi thành công, sản phẩm sẽ định vị được thương hiệu Việt Nam toàn cầu, tăng giá trị cho nông sản Việt, mang thêm ngoại tệ về cho đất nước và đây cũng chính là cách làm giàu bền vững.