China Evergrande phải bán cổ phần tại Shengjing Bank để trang trải nợ nần
Được mệnh danh là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với gánh nặng nợ 300 tỷ USD, China Evergrande gần đây đang gồng mình huy động vốn nhằm thanh toán khoản lãi trái phiếu trị giá 47,5 triệu USD cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến hạn trong ngày 29/9 (giờ New York).
Trong một thông điệp gửi lên sàn giao dịch Hồng Kông vào sáng 29/9, China Evergrande tiết lộ đã ký một thỏa thuận bán 1,75 tỷ cổ phiếu đang sở hữu tại Ngân hàng Shengjing cho Tập đoàn đầu tư tài chính Shenyang Shengjing, với giá 5,70 nhân dân tệ / cổ phiếu. Số cổ phiếu này chiếm 19,93% vốn cổ phần đã phát hành của ngân hàng Shengjing. Thỏa thuận bán lại cổ phiếu này giúp China Evergrande thu về 1,5 tỷ USD (9,99 tỷ nhân dân tệ).
China Evergrande trước đó cũng từng thanh lý số cổ phiếu trị giá 1 tỷ nhân dân tệ của Ngân hàng Shengjing.
Trong tuyên bố, nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc cho biết nguyên nhân bán cổ phiếu là do các vấn đề thanh khoản của China Evergrande đang gây “ảnh hưởng xấu đến” Shengjing Bank “về mặt vật chất.” Theo China Evergrande, việc đưa số cổ phần này về tay bên mua là Tập đoàn đầu tư tài chính Shenyang Shengjing thuộc sở hữu nhà nước - sẽ giúp “ổn định hoạt động” của ngân hàng.
Tuần trước, China Evergrande đã bỏ lỡ thời hạn thanh toán khoản lãi trị giá 83,5 triệu USD cho một trái phiếu đáo hạn tháng 3/2022 đến hạn trả lãi vào nửa đêm 23/9 (giờ New York). Tuy vậy, tập đoàn này vẫn chưa được tính là vỡ nợ trái phiếu chừng nào thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày kết thúc.
Nhìn chung, nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm tiền mặt, China Evergrande đang tìm mọi cách bán bớt cổ phần trong nhiều tài sản mà tập đoàn đang nắm giữ. Hồi giữa tháng 8, theo nguồn tin của tờ Reuters, China Evergrande và các đơn vị liên quan đã thảo luận để bán bớt cổ phần trong hai công ty con chuyên mảng quản lý tài sản và ô tô điện. Ngoài ra, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc cũng được cho là đang rao bán các dự án đô thị mới ở thủ phủ công nghiệp công nghệ cao Thâm Quyến và Vùng Vịnh Lớn, trích một nguồn tin được dẫn bởi tờ SCMP.
Một báo cáo của Bloomberg hôm thứ Năm cho biết các nhà chức trách Bắc Kinh đã yêu cầu nhà phát triển bất động sản này thực hiện tất cả các biện pháp có thể để tránh vỡ nợ đối với trái phiếu bằng đồng USD, song song với hoàn thành các dự án bất động sản đang dang dở.
Theo Fitch Ratings, ngoài 2 khoản thanh toán lãi trái phiếu đến hạn từ nay đến cuối tháng 9, China Evergrande cũng đối mặt với 721 triệu USD lãi trái phiếu nước ngoài cần thanh toán trong vòng 3 tháng cuối năm. 360 triệu USD lãi trái phiếu khác sẽ đến hạn vào tháng 1/2022. Trong nước, khoảng 436 triệu Nhân dân tệ trái phiếu mệnh giá đồng nội tệ của các trái chủ trong nước sẽ đến hạn từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022.
Một số nhà phân tích nhận định China Evergrande có thể ưu tiên đáp ứng nghĩa vụ trả lãi các trái phiếu mệnh giá Nhân dân tệ cho nhà đầu tư trong nước hơn là nhà đầu tư nước ngoài - những người chủ yếu nắm giữ các trái phiếu mệnh giá USD.
Chưa rõ Bắc Kinh liệu có ra tay “giải cứu” China Evergrande một khi tập đoàn này không thể giải quyết gánh nặng nợ khổng lồ hiện tại hay không. Thị trường bất động sản Trung Quốc và các ngành liên quan như xây dựng đóng góp khoảng 1/4 GDP quốc gia Trung Quốc, theo ước tính của Moody. Tại cuộc họp báo tuần trước, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay Cục này đang theo dõi sát sao các công ty bất động sản đối diện khó khăn tài chính và rủi ro cho nền kinh tế. Cho đến nay, các quan chức Bắc Kinh rất hạn chế đưa ra tuyên bố chính thức nào về vụ khủng hoảng nợ của China Evergrande.