Khủng hoảng nợ China Evergrande: Công ty con mảng xe điện lỗ to, nợ lương nhân viên, chậm tiền nhà cung cấp

24/09/2021 16:15 GMT+7
Khi tập đoàn mẹ China Evergrande liên tục cảnh báo nguy cơ vỡ nợ, công ty con chuyên mảng xe điện cũng đang xảy ra tình trạng chậm lương nhân viên và chậm thanh toán cho nhà cung cấp.

Theo những nguồn tin thân cận của Bloomberg, China Evergrande New Energy Vehicle, công ty con chuyên mảng ô tô điện của China Evergrande đã ngừng trả lương cho một số nhân viên và chưa thể thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị trong bối cảnh tập đoàn mẹ China Evergrande Group rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng.

Hầu hết nhân viên tại China Evergrande New Energy Vehicle đều được trả lương 2 lần mỗi tháng, một lần vào đầu tháng và lần còn lại vào ngày 20 hàng tháng. Tuy nhiên cho đến nay, một số quản lý cấp trung của công ty vẫn chưa nhận được đợt lương thứ hai của tháng 9.

Một số nhà cung cấp thiết bị đã bắt đầu rút nhân sự tại chỗ khỏi các nhà máy ở Quảng Châu và Thượng Hải tháng 7 sau khi China Evergrande New Energy Vehicle chậm thanh toán chi phí máy móc tại các nhà máy này. Không còn nhóm chuyên gia từ các nhà cung cấp hỗ trợ vận hành thiết bị sản xuất và khắc phục mọi sự cố, nhân viên của China Evergrande New Energy Vehicle buộc phải tự khắc phục tình huống, dẫn đến sản lượng sản xuất xe thử nghiệm chậm hơn nhiều so với dự kiến.

Khủng hoảng nợ China Evergrande: công ty con mảng xe điện lỗ to, nợ lương nhân viên, chậm tiền nhà cung cấp - Ảnh 1.

Một mẫu xe điện Hengchi của China Evergrande New Energy Vehicle (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Những khó khăn về dòng tiền có thể khiến China Evergrande New Energy Vehicle, công ty con chuyên mảng ô tô điện của China Evergrande bỏ lỡ mục tiêu bắt đầu giao xe điện hàng loạt vào năm tới sau khi hoạt động sản xuất xe điện thử nghiệm ở các nhà máy Thượng Hải, Quảng Châu được tái khởi động.

Đại diện của China Evergrande New Energy Vehicle hiện chưa đưa ra bình luận nào.

Tháng trước, công ty này công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, trong đó cho thấy khoản lỗ 4,8 tỷ nhân dân tệ (744 triệu USD) trong cùng kỳ. Ban lãnh đạo China Evergrande New Energy Vehicle thậm chí cảnh báo nguy cơ trì hoãn sản xuất xe điện nếu không thể đảm bảo đủ dòng vốn trong ngắn hạn.

Công ty khởi nghiệp xe điện trực thuộc China Evergrande từng tham vọng vào năm 2019 rằng sẽ vượt qua Tesla và trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm. Cho đến nay, China Evergrande New Energy Vehicle đã trình làng 9 mẫu xe mang thương hiệu Hengchi nhưng chưa sản xuất hàng loạt dòng xe nào. Dù gây được tiếng vang lớn tại triển lãm ô tô Thượng Hải năm nay, với tất cả chín mẫu xe được trưng bày kèm theo cam kết sản xuất 5 triệu xe mỗi năm vào năm 2035, nhưng thực tế là 4 mẫu xe Hengchi số 1, 3, 5 và 6, vẫn đang ở giai đoạn Thử nghiệm Kỹ thuật (ET) - một giai đoạn sơ bộ nhằm hiệu chỉnh các tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng của ô tô điện. Theo các nguồn tin quen thuộc, phải mất ít nhất 6 tháng sau giai đoạn ET, các mẫu xe mới có thể đi vào sản xuất hàng loạt.

Giống như các nhà đầu tư đổ tiền vào China Evergrande, các cổ đông công ty con China Evergrande New Energy Vehicle cũng đang vỡ mộng khi cổ phiếu công ty này niêm yết tại Hong Kong đã bốc hơi 90% trong năm hay, một sự thụt lùi lớn với một công ty từng có giá trị thị trường lớn hơn cả Ford Motor Co. và General Motors Co.

Nhìn chung, tình hình tài chính căng thẳng tại China Evergrande New Energy Vehicle đang phản ánh phần nào cuộc khủng hoảng thanh khoản tồi tệ tại công ty mẹ China Evergrande Group. Tập đoàn này hiện là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với gánh nặng nợ hơn 300 tỷ USD. 

China Evergrande đang đối mặt với các khoản trái phiếu trị giá hàng trăm triệu USD sẽ đến hạn trả lãi từ nay đến cuối tháng 9. Nếu nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không thể thanh toán lãi suất các khoản trái phiếu này trong vòng 30 ngày kể từ ngày đến hạn, các trái phiếu này sẽ bị liệt kê vào dạng vỡ nợ.

Sau 2 lần cảnh báo nguy cơ vỡ nợ trong những ngày qua, China Evergrande hiện đang bị theo dõi chặt chẽ bởi các nhà quản lý trong nước, nhà đầu tư và các cơ quan xếp hạng tín dụng do lo ngại nguy cơ tập đoàn này vỡ nợ sẽ gây ra hệ quả lan tỏa đến toàn hệ thống tài chính khổng lồ trị giá 50 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.


NTTD
Cùng chuyên mục