Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Dự án Luật sửa 7 luật tại 1 kỳ họp
Tại Nghị quyết 126/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024, Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình 1 kỳ họp.
Trong đó, Dự thảo Luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng và phạm vi sửa đổi các luật trong đề nghị xây dựng Luật; giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm một số yêu cầu.
Chính phủ giao Bộ Tài chính cần tiếp tục tổng kết, rà soát, đánh giá để bảo đảm xử lý triệt để những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai..., tránh chồng chéo, mâu thuẫn, tạo khoảng trống pháp lý khi tổ chức thi hành Luật.
Đồng thời, việc sửa luật phải tạo môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, rõ ràng và nhanh chóng; tổ chức hiệu quả các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, phù hợp.
Một điểm quan trọng trong Nghị quyết, đó là việc Chính phủ yêu cầu Dự thảo Luật cần phải quy định tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, dự thảo Luật phải ban hành quy trình quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn NSNN cho các công trình, dự án tại địa phương hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch; tránh tình trạng ngân sách địa phương không được hỗ trợ cho các dự án ở trung ương trên địa bàn; ngân sách của các địa phương có thể hỗ trợ cho nhau để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Đồng thời, giải quyết các bất cập, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Việc phân cấp, phân quyền gắn liền với nâng cao năng lực thực thi, phân bổ nguồn lực có hiệu quả; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, xóa bỏ "cơ chế xin - cho", phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện.