Đưa vào Luật trường hợp hoãn xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế
Bộ Tài chính vừa đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của gồm Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Trong đó, Bộ Tài chính đưa ra một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66, đưa đối tượng cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế vào khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế cho thống nhất, đồng thời bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Sửa đổi, bổ sung khoản 11, Điều 15 theo định hướng quy định trách nhiệm của một số Bộ ngành liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan) có trách nhiệm phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin, kết nối để chia sẻ dữ liệu liên quan đến các đối tượng kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 16 Định hướng sửa đổi, bổ sung Bổ sung quy định đối với quyền của người nộp thuế được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 theo định hướng bổ sung quy định trách nhiệm của công chức quản lý thuế để thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật để phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 59, định hướng bổ sung quy định mốc thời gian tính tiền chậm nộp thuế kể từ ngày tiếp theo, ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo hoặc quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế đảm bảo thống nhất quy tắc về thời gian tính tiền chậm nộp tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 3 Điều 125 và bổ sung điểm d vào khoản 3 Điều 125, bỏ các quy định mang tính định tính như "một số biện pháp", "không hiệu quả" vì cơ quan thuế khó xác định và thực hiện. Bổ sung nguyên tắc đối với người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn thì có thể lựa chọn áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế phù hợp trong 7 biện pháp cưỡng chế để kịp thời thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bãi bỏ một số điều khoản. Bao gồm khoản 3 Điều 75, bãi bỏ các yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.
Bãi bỏ khoản 7 Điều 124, bãi bỏ quy định khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế để thống nhất đối tượng quy định tại Luật Quản lý thuế trong trường hợp xuất cảnh nhằm nâng cao hiệu quả thu nợ thuế.