"Chợ chiều năm ngàn" có gì độc đáo?

19/05/2021 16:25 GMT+7
Cứ 4 giờ chiều, phiên chợ vùng cao huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) tấp nập người mua, mặt hàng chủ yếu là các loại rau, củ, quả, các loại nấm mà người dân nơi đây tự trồng hay đi lấy từ rừng.

Nét độc đáo của "Chợ chiều năm ngàn"

"Thương lái" ở đây là người Cơ Tu xưa nay chân lấm tay bùn. Nhiều người trong họ chưa học hết lớp 5, có người không biết chữ, có người không nói được tiếng phổ thông nhưng họ đã mạnh dạn tự mình đem các sản vật từ rừng núi đi bán.

Quảng Nam: "Chợ chiều năm ngàn" có gì độc đáo?  - Ảnh 1.

"Chợ chiều năm ngàn" có địa chỉ tại xã ATiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Lần đầu họ còn bỡ ngỡ nhưng một ngày, hai ngày, ba ngày rồi họ thành quen. Mỗi mặt hàng họ cho một "quy ước" chung đó là giá năm ngàn đồng, không hơn, không kém, không thêm, không bớt... ai có nhu cầu thì mua, không ép. Từ đó khu "Chợ chiều năm ngàn" bắt đầu hình thành và lan tỏa nhanh.

Quảng Nam: "Chợ chiều năm ngàn" có gì độc đáo?  - Ảnh 2.

"Chợ chiều năm ngàn" có tổng diện tích trên 100m2 đủ chổ cho khoảng 20 hộ buôn bán.

Bà Zơrâm Thị Chơn thôn Aró, xã Lăng (huyện Tây Giang) tâm sự, xưa nay bà con mình làm chi biết buôn bán, làm ra hạt lúa, ra củ sắn, bó rau là để ăn, nhiều thì đem tặng nhau. Nay, mình học theo Atụt (người Kinh), sản phẩm làm ra nhiều mình đem đi bán kiếm tiền mua sắm thứ khác trang trải cuộc sống gia đình. Ra chợ thì ngại chỗ đông người thế là bà con mình tự lập ra nhóm nhỏ bán riêng tại góc đường gần trường mần non này. Khách hàng thường là những phụ huynh đón con đi học về nên họ tranh thủ mua luôn. 

"Rau dớn, rau lang, rau má, măng tươi mỗi thứ đều bằng nhau, mỗi bó năm ngàn đồng. Các loại rau, củ, quả ở đây là "hàng sạch". Bà con mình xưa nay trồng cây không biết dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, nhìn bên ngoài rau hơi xấu xấu tý, không tươi xanh như rau đồng bằng nhưng chất lượng thì đảm bảo an toàn", bà Chơn nói.

Quảng Nam: "Chợ chiều năm ngàn" có gì độc đáo?  - Ảnh 3.

Mặt hàng chủ yếu là các loại rau, củ, quả.

Từng là khách hàng lâu năm của phiên chờ chiều này, chị Trần Thị Bốn, thôn Agrồng, xã Atiêng, huyện Tây Giang, cho biết: "Từ khi "Chợ chiều năm ngàn" ra đời, tôi thường xuyên đến đây mua vì giá ở đây rẻ hơn ngoài chợ huyện. Các mặt hàng nông sản ở đây đảm bảo "sạch" không hóa chất. Ngoài mua về dùng, tôi còn mua gửi tặng bạn bè đồng bằng như rau sắn, măng rừng vì nó lạ, ngon...". 

Còn anh Nguyễn Đình Nam, Chi Cục thuế huyện Tây Giang cho hay, cuối tuần nào mình cũng ghé mua đem về đồng bằng. Mình mua một mặt là vì hàng nông sản ở đây ngon, sạch.... đảm bảo, mặt khác cũng giúp bà con có nguồn thu nhập vì đa số họ là hộ nghèo, khó khăn lắm.

Chợ không thu thuế

Nhằm giúp cho bà con nơi đây có chỗ buôn bán ổn định lâu dài, giảm bớt khó khăn nhất là trong những ngày mưa, bão, UBND huyện Tây Giang đã tiến hành xây chợ tạm cho bà con. Ông Alăng Tối, Trưởng phòng Công Thương huyện Tây Giang cho biết, trước nhu cầu buôn bán ngày càng lớn của bà con, phòng đã tham mưu cho huyện chọn vị trí, mặt bằng thuận lợi để xây chợ, nhằm khuyến khích bà con mình tiếp cận dần với nghề mới, tặng thu nhập. 

Quảng Nam: "Chợ chiều năm ngàn" có gì độc đáo?  - Ảnh 4.

"Chợ chiều năm ngàn" đã giúp cho bà con huyện miền núi Tây Giang chuyển sang ngành nghề mới nhưng thu nhập cao, đó là nghề buôn bán.

Huyện đã trích 200 triệu từ nguồn xúc tiến thương mại, du lịch để đầu tư làm chợ này. Xây chợ không chỉ giúp người dân thuận lợi buôn bán mà cái quan trọng là giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất từ "tự cung tự cấp" sang hàng hóa, thị trường. Họ làm ra sản phẩn nông nghiệp bán được, có tiền sẽ là nguồn động viên khuyến khích họ ham làm giàu...

Ông Tối cho biết thêm, nói là chợ tạm nhưng cũng làm kiên cố lắm, nền chợ được bê tông hóa, mái vòm lợp tôn, khung sắt kiên cố, tổng diện tích trên 100m2 đủ chổ cho khoảng 20 hộ buôn bán. Huyện đã có chủ trương sẽ đem một số mặt hàng đặc sản Tây Giang bán tại chợ này như củ đẳng sâm, sâm ba kích, mật ong, củ cun, nấm liêm xanh, nấm ngọc cẩu và bán cả các mặt hàng thủ công nghiệp như tấm tuốc, các loại áo, quần truyền thống Cơ Tu, gùi, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống (mây tre, đan lát, cuốc, rựa, Aven) do chính bà con mình làm.

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, huyện đã thống nhất đặc tên chợ là "Chợ chiều năm ngàn" và giá bán này sẽ không thay đổi. Huyện đã cùng với Chi Cục thuế huyện thống nhất không thu thuế buôn bán của bà con, tạo mọi điệu kiện tốt nhất để họ làm ăn.       

"Chợ chiều năm ngàn" ra đời đã kích thích sự tò mò của nhiều người và nó đã dần trở thành một thương hiệu riêng của Tây Giang. "Chợ chiều năm ngàn" không chỉ thu hút khách du lịch, kích thích ngành dịch vụ phát triển và điều ý nghĩa nhất là thay đổi dần tư duy của đồng bào Cơ Tu, từ thói quen chỉ biết làm nương rẫy sang một ngành nghề mới nhưng thu nhập cao, nghề buôn bán..., ông Bhing Mia nói.

Đình Hiệp - Trần Hậu
Cùng chuyên mục