Chồng chất khó khăn, Thủy sản Mekong (AAM) tiếp tục báo lỗ hơn 3 tỷ trong quý II

04/08/2021 07:42 GMT+7
Cước tàu biển tăng cao, giá bán thấp khiến Công ty CP Thủy sản Mekong (HOSE: AAM) lỗ hơn 3 tỷ đồng trong quý II/2021, đây cũng là quý thứ 5 lỗ liên tiếp của AAM.

Trong quý II, doanh thu thuần của AAM đạt hơn 29 tỷ tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp này phải chịu lỗ gộp 817 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1,2 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 16%, xuống còn 1.1 tỷ đồng, do hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính.

Đáng chú ý, chi phí bán hàng tăng mạnh lên hơn 2.7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23%, xuống còn 1.5 tỷ đồng.

Chồng chất khó khăn, Thủy sản Mekong (AAM) tiếp tục báo lỗ hơn 3 tỷ trong quý II - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC quý III/2021 của AAM

Kết quả, AAM báo lỗ hơn 3 tỷ đồng, đây cũng là quý thứ 5 lỗ liên tiếp của đơn vị thủy sản. Giải trình cho việc này, AAM cho biết nguyên nhân do chi phí bán hàng tăng (chủ yếu là cước tàu) và giá bán thấp.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, AAM ghi nhận doanh thu thuần giảm 9%, xuống còn 59 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/06/2021, lỗ lũy kế của AAM cán mốc hơn 6,2 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của AAM còn gần 199 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 5% so với đầu năm, lên hơn 11.5 tỷ đồng, chủ yếu nhờ phần tăng thêm từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (đầu năm không ghi nhận khoản này).

Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh 50%, xuống còn 8 tỷ đồng. Nợ phải trả thời điểm này cũng giảm 46%, xuống còn 9 tỷ đồng. Việc cải thiện được nợ là một trong những yếu tố chính giúp cải thiện dòng tiền kinh doanh của AAM trong quý này, ghi nhận hơn 5 tỷ đồng (cùng kỳ âm 1.5 tỷ đồng).

Đáng chú ý, năm 2020 vừa qua, AAM chính là 1 trong 3 doanh nghiệp thủy sản niêm yết thua lỗ. Phía Công ty chỉ ra những nguyên nhân chính như: Thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn, tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị cùng ngành, sản xuất không ổn định và tồn kho sản phẩm cao,…

Đầu năm nay, Báo cáo thường niên được AAM công bố đã nhận định những khó khăn thách thức trong năm 2021 như: Tình trạng cạnh tranh trong ngành tiếp tục, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, vấn đề về lực lượng lao động…

Chồng chất khó khăn, Thủy sản Mekong (AAM) tiếp tục báo lỗ hơn 3 tỷ trong quý II - Ảnh 2.

AAM liên tiếp báo lỗ trong những quý gần đây.

Vì vậy, ban lãnh đạo AAM định hướng không phát triển tràn làn trên nhiều lĩnh vực mà chỉ tập trung vào chăn nuôi và chế biến ca tra xuất khẩu. Điều này nhằm tập trung nguồn lực và hạn chế rủi ro. Trước mắt, AAM dự kiến sản xuất kinh doanh ở mức thấp, không tăng sản lượng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tồn kho.

Công ty đặt mục tiêu sản lượng chế biến và tiêu thụ năm 2021 đạt khoảng 4,000 tấn. Tổng doanh thu đem về 180 tỷ đồng (tăng 47% so với 2020) và không bị lỗ.

Việc đặt mục tiêu lợi nhuận "không bị lỗ" - không có cổ tức cho thấy Ban lãnh đạo AAM xác định năm nay vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức với Công ty.

Trong những năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh chính của AAM là chăn nuôi cá tra, chế biến cá tra đông lạnh. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp đóng góp trên 75% trong cơ cấu doanh thu và tiêu thụ nội địa chiếm gần 25%. Sản phẩm của Công ty hiện đang được xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nga, châu Mỹ La-tinh…

Tính tới cuối năm 2020, AAM chỉ tự chủ được 50% nguyên liệu đầu vào, 50% còn lại phải thu mua từ bên ngoài. Điều này tiếp tục là thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát chất lượng cũng như giá nguyên liệu đầu vào.

Cũng bắt đầu từ thời gian này, AAM không thực hiện một dự án đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng lớn nào, hiện tại vẫn phụ thuộc tới 50% nguyên liệu từ bên ngoài. Trong khi đó, Thủy sản Nam Việt (mã ANV), với quỹ tiền mặt 365,2 tỷ đồng vào cuối năm 2020 đang có giá trị khoản đầu tư 783,8 tỷ đồng, chủ yếu vào dự án khu nuôi trồng thuỷ sản Bình Phú.

Hay Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) – doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu cá tra - sở hữu quỹ tiền mặt hơn 1.400 tỷ đồng đang dùng 383,8 tỷ đồng đầu tư các ao nuôi cá, dự án kho lạnh, xưởng sản xuất bột cá…


An Vũ
Cùng chuyên mục