Chủ tịch Mai Tuấn Anh vi phạm nghiêm trọng, phải kỷ luật và tình trạng "bi đát" của VEC
Trong hai ngày 27 và 28/4/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 44 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số cá nhân.
Vi phạm của Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc VEC 'đến mức phải kỷ luật'
Theo kết luận, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã vi phạm Quy chế làm việc và các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, để nội bộ Lãnh đạo Tổng Công ty mất đoàn kết nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và trong quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Mai Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên và ông Trần Quốc Việt, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy;
Ông Trần Văn Tám, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc và ông Lê Quang Hào, Đảng ủy viên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và các lãnh đạo nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Tổng Công ty, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Tài sản hơn 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận vài tỷ
Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng như Hà Nội - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành...
Với việc đầu tư nhiều dự án lớn nên tổng tài sản của VEC trên 90.000 tỷ đồng (đạt gần 97.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2018). Tuy vậy, phần lớn tài sản của VEC được hình thành từ vốn vay - chủ yếu là các khoản vay bằng ngoại tệ nên kết quả kinh doanh chịu tác động rất lớn từ biến động tỷ giá.
Trong năm 2016, với khoản lỗ tỷ giá 2.200 tỷ, VEC đã bị lỗ ròng hơn 800 tỷ đồng. Sang năm 2017, lỗ tỷ giá giảm xuống còn 368 tỷ, VEC đã có lãi hơn 930 tỷ đồng.
Năm 2018, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ghi nhận doanh thu thuần 3.225 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 460 tỷ đồng so với năm 2017. Tuy nhiên, VEC ghi nhận mức lãi ròng chỉ 2,4 tỷ đồng (trong khi năm 2017 tới 936 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận của Công ty mẹ vỏn vẹn chỉ 582 triệu đồng, trong khi năm 2017 đạt xấp xỉ 935 tỷ đồng.
Cũng trong năm này, VEC được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thế nhưng, bức tranh lợi nhuận của "trùm cao tốc" vẫn khá "bi đát".
Theo đó, trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020, VEC được phê duyệt mức lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 2,2 tỷ đồng, trong khi đó, kế hoạch tổng doanh thu của VEC là 4.251 tỷ đồng.
Trước đó năm 2019, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của VEC ước đạt lần lượt 4.196,5 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng.
Lý giải về con số lợi nhuận 2,2 tỷ đồng cho năm 2020, VEC cho rằng, lợi nhuận thấp là do mỗi năm phần doanh thu từ các dự án cao tốc đang khai thác sẽ được dành để trả nợ vốn vay. Đồng thời, do các dự án vay vốn bằng đồng yên Nhật và USD nên khi biến động tỷ giá, số tiền VEC phải trả do chênh lệch tỷ giá khá lớn. Vì vậy, dù kế hoạch tổng doanh thu của VEC là 4.251 tỷ đồng nhưng tổng chi phí đã lên đến 4.248 tỷ đồng.
Còn tại báo cáo ngày 01/04 của Siêu Ủy ban đánh giá về tác động của Covid-19 tới VEC cho thấy, việc hạn chế nhu cầu đi lại của người dân trong mùa dịch khiến lưu lượng xe lưu thông trên đường bộ từ đầu năm 2020 giảm mạnh. Đặc biệt tại các tuyến Nội Bìa- Lào Cao, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Dự kiến, quý I/2020 doanh thu của VEC ước giảm 15 tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài đến quý IV/2020, doanh thu cả năm của VEC ước đạt 3.698,22 tỷ đồng, giảm 552,74 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; ước lỗ 140 tỷ đồng.