Chứng khoán Mỹ 10/2: S&P 500 và Nasdaq Composite phá đỉnh thời đại bất chấp đại dịch
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 174,31 điểm, tương đương 0,6%, đóng cửa ở mức 29.276,82 điểm sau khi giảm hơn 100 điểm trong những giờ đầu tiên của phiên giao dịch. S & P 500 tăng 0,6% lên 3.352,09 điểm trong khi Nasdaq Composite tăng 1% lên 9.628,39 điểm, qua đó đưa cả hai chỉ số này lên mức cao nhất mọi thời đại.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi sau phiên giao dịch giảm mạnh hôm thứ Sáu tuần trước nhờ những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và báo cáo tài chính doanh nghiệp vượt kỳ vọng.
Cổ phiếu Amazon leo dốc 2,6% lên đỉnh kỷ lục, lần đầu phá vỡ mức trên 2.100 USD/cp. Cổ phiếu Netflix và Alphabet đều tăng hơn 1% trong khi cổ phiếu Tesla tăng hơn 3%.
Cổ phiếu Boeing của Dow Jones cũng tăng mạnh hơn 2% trong khi cổ phiếu Microsoft, Visa và Cisco đều tăng hơn 1%.
Ngược dòng tăng trưởng, cổ phiếu Apple tụt 1,9% trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại dịch virus Corona tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất các dòng sản phẩm iPhone. Foxconn, một trong những đối tác lớn nhất của Apple chuyên đảm nhận việc sản xuất và lắp ráp iPhone mới đây xác nhận một nhà máy của họ tại Trịnh Châu, Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng chỉ với 10% lực lượng lao động.
Ed Yardeni, một chiến lược gia đầu tư toàn cầu nhận định các nhà đầu tư trên thị trường đang bị hỗn loạn giữa một bên là mối quan ngại dịch virus Corona lan rộng tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một bên là những chỉ số kinh tế cho thấy sự ổn định đáng lạc quan. Dữ liệu tăng trưởng việc làm do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm Thứ Sáu tuần trước cho thấy có đến hơn 200.000 việc làm mới được tạo ra vào tháng 1, vượt xa dự đoán 158.000 việc làm của các nhà phân tích. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ do Viện quản lý cung ứng báo cáo cũng phản ánh sự hồi phục trong lĩnh vực sản xuất vào tháng 1.
Tính đến sáng 11/2 (giờ Trung Quốc), đã có 43.098 ca nhiễm virus Corona và 1.108 ca tử vong được báo cáo trên toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển các loạt thuốc điều trị virus Corona để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại loại virus nguy hiểm này. Số người tử vong vì virus Corona trên toàn cầu hiện đã vượt xa số ca tử vong do đại dịch SARS hồi năm 2003.