Chuyên gia KBSV: Có thể thêm một đợt nới room tín dụng từ 0,5-1,2% vào tháng 11

26/09/2022 19:42 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với điều hành room tín dụng 14%. Để đạt mục tiêu 14% này, các chuyên gia nghiên cứu tại các công ty chứng khoán cho rằng, vẫn có thể một đợt nới room trong 3 tháng cuối năm 2022.

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến cuối tháng 8, dự nợ tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế đạt 11,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 9,91% so với đầu năm.

Do nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room tính dụng ngay trong 5 tháng đầu năm mà tín dụng tháng 7 và tháng 8 tăng trưởng rất thấp, lần lượt ở mức 0,07% và 0,5%.

Đến đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước mới có quyết định nới room tín dụng cho ngành ngân hàng. Trong đó, đối với nhóm NHTMCP có vốn nhà nước thì Agribank và Vietcombank lần lượt được nới 3,5% và 2,7% trong khi VietinBank và BIDV chỉ được thêm khoảng 0,7% do 2 ngân hàng này đã có mức room đầu năm cao hơn hẳn so với các năm trước.

Một số ngân hàng TMCP tư nhân có mức room mới tương đối cao như HDBank (tăng 3,4%), MBB (tăng 3,2%), SHB (tăng 3,2%), TCB, ACB, VIB cùng được 2,7%, TPB được nới thêm 1,2% và VPB tăng 0,7%…

Chuyên gia KBSV: Có thể thêm một đợt nới room từ 0,5-1,2% vào tháng 11 - Ảnh 1.

Có thể thêm một đợt nới room từ 0,5-1,2% vào tháng 11. (Ảnh: TN)

Theo ước tính của các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán KB (KBSV), trong trường hợp các ngân hàng sử dụng hết mức room mới thì tín dụng toàn ngành sẽ tăng khoảng 13,2% so với đầu năm.

Do đó, NHNN vẫn có thể một đợt nới room nữa từ 0,5-1,2% vào tháng 11 để đạt mục tiêu cả năm 14%. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không quá kỳ vọng vào đợt nâng này do NHNN vẫn rất kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát và tỷ giá.

Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 3 đợt cấp room tín dụng cho các ngân hàng, bao gồm đợt 1 vào đầu năm, đợt 2 vào khoảng tháng 7 và đợt 3 vào tháng 11.

Trước đó, cũng có rất nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo tương tự.

Chẳng hạn như theo Chứng khoán ACBS, hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành vừa được nới khoảng 2%, tương đương với 200.000 tỷ đồng.

Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hàng năm, sẽ cần một đợt điều chỉnh hạn mức khác trước khi kết thúc năm 2022.

Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho rằng, trong đợt điều chỉnh vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường. Do đó, dư địa để NHNN sẽ có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay vẫn còn.

Chuyên gia KBSV: Có thể thêm một đợt nới room từ 0,5-1,2% vào tháng 11 - Ảnh 3.

Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022.

Thông tin về tăng trưởng tín dụng năm nay, tại cuộc họp báo diễn ra ngày 23/9 vừa qua, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - cho biết: Vừa qua, Thống đốc NHNN và các tổ chức tín dụng đã có cuộc họp trao đổi thẳng thắn cởi mở về room tín dụng. Lần đầu tiên, một cuộc họp diễn ra trong 7 giờ để cùng bàn bạc về hạn mức tín dụng.

Kết quả, 100% các tổ chức tín dụng đều thống nhất rằng giải pháp điều hành room tín dụng là biện pháp khoa học để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Quang cho biết thêm: Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2022 cũng đã định hướng điều hành tín dụng linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.

Hiện nay, áp lực lạm phát lớn nên NHNN vẫn kiên định điều hành room tín dụng 14% để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong năm 2022 và cả 2023. Đồng thời, chỉ đạo TCTD hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục