Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Có dư địa cho Việt Nam không phải "đua" lãi suất từ giữa năm 2023

12/01/2023 08:36 GMT+7
Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam cho rằng, vào tháng 5/2023 sẽ có dư địa cho Việt Nam không phải "đua" lãi suất theo lãi suất của đồng USD, và áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để Việt Nam đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô.

Mặt bằng lãi suất toàn cầu bị đẩy lên rất cao, áp lực tới chính sách tiền tệ

Chia sẻ tại Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 – Diễn đàn thường niên lần thứ 15 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, vào thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là nhà hoạch định chính sách của các định chế lớn đều nhận định là lạm phát chỉ mang tính thời điểm. Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại khi lạm phát lên cao nhất 40 năm gần đây.

Với sai lầm nhận định đó, các ngân hàng trung ương đều phải chuyển đổi chính sách tiền tệ. Từ nới lỏng chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Thậm chí, Fed đã tăng 4 lần lãi suất với mức tăng 0,75 điểm phần trăm mỗi lần. Trong khi đó, ở quá khứ hầu như Fed chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm mỗi lần. Điều này thể hiện quá trình kiềm chế lạm phát rất nhanh, gấp.

Vì vậy, mặt bằng lãi suất toàn cầu bị đẩy lên rất cao làm cho đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Riêng trong năm 2021, chỉ số DXY đo sức mạnh đồng USD tăng tới 21%.

Điều này tạo lên áp lực "khủng khiếp" lên chính sách tiền tệ, không chỉ của Việt Nam mà tất cả lên các nước mới nổi.

"Với bối cảnh đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam rất khó khăn, đặc biệt khi độ mở của nền kinh tế đang rất lớn thì khả năng chống chọi với cú sốc khủng khiếp đó là cực kỳ căng thẳng", ông Quang nhận định.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Cửa hẹp để hạ lãi suất rơi vào giữa 2023 - Ảnh 1.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ. (Ảnh: Vneconomy)

Bài toán khó nhất đối với Ngân hàng Nhà nước là tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và tỷ giá. Bởi lẽ, nếu hy sinh tỷ giá thì giữ được lãi suất và giữ được dự trữ ngoại hối.

Ngược lại, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn tới với kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 200% so với GDP, dẫn tới việc nhập khẩu lạm phát. Điều này khiến lạm phát trong nước không kiểm soát được. Mà khi đó, các mục tiêu vĩ mô cũng không thể kiểm soát được.

Bước sang năm 2023, ông Quang cho biết, mục tiêu xuyên suốt là điều hành chính sách tiền tệ là giữ được sự ổn định của dòng tiền, kiểm soát lạm phát. Từ mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đạt được mục tiêu của nội bộ ngành là duy trì sự hoạt động lành mạnh, ổn định của ngành ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ hành động theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong đó bất biến là kiểm soát lạm phát, còn cách thức điều hành thì rất linh hoạt.

"Cửa hẹp" hạ lãi suất

Bàn về chính sách tiền tệ, dưới góc nhìn của mình ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam cho rằng, trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, Việt Nam vẫn có "cửa hẹp" trong năm nay để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam khi các điều kiện bên ngoài cho phép.

Điều kiện cho phép ở đây – theo ông Thành, đó là Fed có thể giảm tần suất tăng lãi suất xuống chỉ còn 3 lần trong năm 2023, mức tăng lãi suất của Fed tháng 2/2023 chỉ khoảng 0,25 điểm, thay vì 0,5 điểm kỳ điều chỉnh trước đó.

"Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng từ 5-5,25% cho đến cuối năm 2023. Như vậy, đến thời điểm tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam không phải đua lãi suất theo lãi suất của đồng USD, và áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để chúng ta đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô", ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

"Hiện nay lãi suất thực của Việt Nam rất cao, nếu duy trì trong cả năm sẽ rất khó. Nhưng chúng ta có cửa hẹp để hạ lãi suất và thời điểm rơi vào giữa 2023, nếu nhìn từ phía Hoa Kỳ", ông Thành nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Cửa hẹp để hạ lãi suất rơi vào giữa 2023 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam.

Tác động thứ 2 đến "cửa hẹp" để Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách đến từ phíaTrung Quốc.

Ông Thành phân tích: Việc Trung Quốc mở cửa dự đoán tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam từ quý II/2023.

Tuy vậy, chuyên gia này cũng lưu ý, ngay cả dưới tác động mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn cần tính chủ động, không nên chờ đợi thụ động. Chính sách tiền tệ phải chủ động để có khả năng chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ mặt bằng lãi suất. Vượt qua thách thức, chịu đựng "đau thương" trong quý 1 và quý 2/2023.

"Nhưng ngay cả trong giai đoạn khó khăn này vẫn phải đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, đến khi nào Fed dừng tăng lãi suất, hết áp lực tỷ giá thì chúng ta phải mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ từ giữa năm 2023", vị chuyên gia nhìn nhận.

H.Anh
Cùng chuyên mục