Chuyên gia nông nghiệp: "Vụ Hè - Thu rất quan trọng, cần có chiến lược phù hợp"
Trong thời gian vừa qua, việc điều hành hoạt động xuất khẩu gạo của các cơ quan chức năng được dư luận hết sức quan tâm. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19 có những diễn biến mới, các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều ý kiến trái chiều, không đồng nhất với nhau. Có thời điểm yêu cầu xuất khẩu với hạn ngạch 400.000 tấn/tháng. Hiện tại, Bộ Công Thương đề xuất xuất khẩu gạo trong tháng 5 không hạn ngạch. Vậy, ông đánh giá thế nào về tình trạng trên?
Theo tôi, việc Thủ tướng chỉ thị xuất khẩu gạo "có kiểm soát" là hoàn toàn đúng trong điều kiện khách quan. Đặc biệt, hiện tại, thị trường đang biến động rất mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Rõ ràng, trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung khan hiếm, nhu cầu cao như vậy, sản lượng xuất khẩu, giá gạo tăng, rất cần sự kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, khi đã thấy dấu hiệu dịch bệnh được kiểm soát, chủ trương mở cửa xuất khẩu không hạn ngạch vào tháng 5 là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề ở đây là do cách điều hành, việc nắm số liệu dự trữ của chúng ta không chính xác.
Do đó, vừa rồi mới xảy ra tình trạng, 14 doanh nghiệp hoặc là rất nhiều trường hợp không có gạo nhưng vẫn cứ đăng ký xuất khẩu. Tôi cho rằng việc không nắm chính xác số liệu về nguồn cung, dữ trữ dẫn đến tình trạng đó.
Ngoài ra, cơ chế của chúng ta là sau khi ký được hợp đồng, các nhà xuất khẩu gạo mới bắt đầu làm việc với cơ quan chức năng và mua của người dân. Bản thân các đơn vị xuất khẩu gạo như người ta không mua trực tiếp của dân, đó là cơ chế từ trước đến nay. Theo tôi, đây là một căn bệnh cố hữu, cho nên dẫn tới tình trạng đó.
Ngoài ra, vấn đề giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về việc xuất khẩu gạo, chúng ta có thể thấy cách các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn bám vào chuỗi giá trị cuối cùng để tìm ra giá trị sinh lời. Do đó, người ta đua nhau để làm nên gây ra tình trạng lúng túng và khó khăn
Nếu nhìn nhận đúng trong thời gian qua, khó khăn trong việc xuất khẩu gạo rơi nhiều vào các doanh nghiệp chứ không phải về phía người nông dân. Bởi vì người nông dân người ta bán lúa chứ không bán gạo.
Nhìn lại, cách đây khoảng chừng 17 đến 20 năm, chúng ta có hệ thống xuất khẩu gạo và số liệu lưu trữ rất tốt, từ giá đến thị trường. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta bỏ không về mặt số liệu. Đây là mặt trái của công nghệ thông tin 4.0 khiến chúng ta dự báo không chuẩn.
Theo ông đánh giá, trong thời gian tới, công tác điều hành hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo sẽ như thế nào để đạt mục tiêu "kép", vừa đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu?
Hiện tại giá gạo cũng đã bắt đầu lên, việc mở cửa xuất khẩu gạo không còn quota nữa mà để giải phóng lượng tồn đọng là hoàn toàn đúng. Cách điều hành như vậy có thể giải phóng thị trường, giải phóng cho gạo hiện nay tồn đọng trên các cảng, đồng thời cũng là kích thích sản xuất vụ Hè - Thu.
Do đó, việc xuất khẩu gạo là hoàn toàn là chủ trương đúng, phù hợp với điều kiện sản xuất và năng lượng dự trữ của Việt Nam. Ngoài ra, điều này cũng đúng với nhận định của các chuyên gia đã theo sát về gạo, thị trường nên nhận được nhiều ý kiến tán thành.
Theo tôi, cần phải bảo vệ lợi ích của người nông dân trồng lúa, trong thời điểm hiện tại phải được tận dụng nhiều nhất. Sau khi đã được bỏ hạn ngạch xuất khẩu để "đẩy" hết hàng tồn, ứ đọng, hiện tại, chúng ta phải nghĩ đến tổ chức sản xuất vụ Hè Thu.
Xin ông phân tích kỹ hơn về những yếu tố cần chuẩn bị đối với vụ mùa Hè – Thu sắp tới?
Trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay, khi vẫn còn nhiều lo lắng về an ninh lương thực thì để thể đảm bảo được phải dựa trên cơ sở có đủ nước và bờ ngăn. Nếu không đảm bảo được các yếu tố này, đặc biệt tại các khu vực phía Nam sẽ rất dễ bị tổn thất đẩy các chi phí lên cao.
Ngoài ra, đối với vụ Hè – Thu, những khu vực trong vùng nước lũ dẫn đến tình trạng cây rất yếu. Do đó, để chuẩn bị tốt nhất cho mùa vụ này và đảm bảo mục tiêu "kép" cần tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn cho bà con.
Qua đó, đảm bảo cho vụ Hè - Thu giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Đồng thời hỗ trợ cho an ninh lương thực, đồng thời vẫn có điều kiện để xuất khẩu. Ngoài ra, đối với rau màu thì đây cũng là thời cơ thuận lợi nhất cho vụ Hè – Thu.
Có 2 loại rau màu là các cây có hạt và cây có củ, trong đó, chủ yếu miền Bắc tận dụng được. Đối với cây có hạt, tiêu biểu là đậu tương. Mục tiêu đối với vụ Hè – Thu, một mặt, đảm bảo được dinh dưỡng, bên cạnh đó, có thể thêm vào các thành phần chế biến thức ăn chăn nuôi. Nếu như thời tiết thuận lợi, có thể trồng thêm các cây thực phẩm, công nghiệp, kể cả các cây dược liệu. Như vậy, có thể thấy, vụ Hè – Thu sắp tới rất quan trọng, cần có định hướng chiến lược phù hợp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để hỗ trợ cho người dân là về việc dự báo thời tiết, đặc biệt là khu vực miền núi. Có thể thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm đã có 7 trận mưa đá rồi. Bây giờ, trách nhiệm của cơ quan chức năng cần phải dự báo cho người dân liệu có còn thiên tai như vậy nữa hay không? Ngoài ra, công tác dự báo thời tiết còn phải giúp nông dân người ta đỡ thiệt hại về con giống và công chăm sóc.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!