Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp: Tiền đầu tư trong dân còn rất lớn

26/11/2022 07:59 GMT+7
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw cho rằng, cần nhanh chóng thích ứng với tình hình để tìm các thu hút vốn. Ông Hà cho biết, tiền nhà đầu tư ở trong dân còn rất lớn. Họ thông qua các tổ chức tư vấn hợp tác đầu tư để góp tiền vào các doanh nghiệp này mà không cần qua tổ chức trung gian.

Rủi ro và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023

Bàn luận về triển vọng kinh tế Việt Nam 2023, tại Talkshow Chọn Danh mục (phần 2) kỳ 5 với chủ đề “Thích ứng trong hành động”, do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 25/11, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw, người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…cho rằng, Việt Nam có độ mở nền kinh tế rất lớn và đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng có những khó khăn rất lớn cho năm 2023. Nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng tăng lãi suất để chống lạm phát, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đều đã tăng lãi suất cùng với giảm hoạt động đầu tư. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo đó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tăng lãi suất, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí hơn, vốn không còn vốn rẻ như thời chống Covid.

Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp: Tiền đầu tư trong dân còn rất lớn - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw

Hiện nay cuộc chiến tranh Nga và Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết, chừng nào cuộc chiến tranh này còn sẽ vẫn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, giá năng lượng đã biến đổi rất nhiều, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Việt Nam.

Ông Hà cho rằng, tình hình vĩ mô năm 2023 sẽ có thuận lợi và khó khăn đan xen. Vừa rồi Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5%/năm cho giai đoạn tới là tín hiệu mừng, điều đó có nghĩa Chính phủ sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng phải đảm bảo thúc đẩy đất nước phát triển.

Bàn luận về vấn đề này, ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam cho rằng, triển vọng năm 2023 với kinh tế Việt Nam có 3 vấn đề cần lưu ý: Một là câu chuyện về ESG, bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn của các tổ chức tài chính quốc tế đang cung cấp tài chính xanh cho các sản phẩm có quy trình sản xuất hiệu quả và ít ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp: Tiền đầu tư trong dân còn rất lớn - Ảnh 2.

Ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam

Hai là các rủi ro trong năm 2023, việc các đơn vị tiền tệ châu Á đang dần mất giá so với đồng tiền của các quốc gia ở Châu Âu và Mỹ khiến cho hoạt động xuất khẩu sẽ có lợi nhưng hoạt động nhập khẩu lại bất lợi. Rủi ro thứ hai là lãi vay ngày càng cao, việc tăng lãi suất cho vay sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, dòng tiền bị đứt gãy sẽ gây khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ nợ.

Thứ ba, trước đây Việt Nam chủ yếu lắp ráp rồi tái xuất khẩu nhưng hiện đang hướng đến việc tạo ra giá trị cao hơn bằng cách đầu tư vào ngành công nghệ cao, tái chế, khuyến khích doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị thặng dư, bán được giá cao hơn và cải thiện hình ảnh Việt Nam trên thị trường thế giới .

Xu hướng cải tiến sản phẩm made in Việt Nam sẽ là 1 trong 3 xu hướng chính bên cạnh ESG, lãi suất vay và căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Tiền đầu tư trong dân còn rất lớn

Trước những khó khăn về vốn, ông Hà cho rằng, thời gian tới doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực cần phải tập trung vào kinh doanh cốt lõi, xem lại danh mục đầu tư xem lĩnh vực nào tạo ra dòng tiền, tạo ra thanh khoản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng suất lao động của người lao động. Doanh nghiệp cũng cần năng động hơn để đổi mới quy trình sản xuất, tìm kiếm thêm nguồn vốn khác, không chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng, trái phiếu. 

"Gần đây tôi làm tư vấn cho doanh nghiệp thấy rằng tiền của nhà đầu tư ở trong dân còn rất lớn. Họ thông qua các tổ chức tư vấn hợp tác đầu tư để góp tiền vào các doanh nghiệp này mà không cần qua tổ chức trung gian. Họ cũng tham gia vào quản trị điều hành doanh nghiệp.

Ví dụ tôi thấy có những doanh nghiệp làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngoài, một người có mặt bằng, một người có kinh nghiệm, họ góp vốn cùng đầu tư cùng quản trị và chia sẻ lợi nhuận", ông Hà nói.

Như vậy ngoài nguồn vốn ngân hàng và trái phiếu, có rất nhiều hình thức hợp tác đầu tư để có thể thu hút được vốn. Các doanh nghiệp trước tiên phải rất năng động tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn giai đoạn này. Người ta nói “cái khó ló cái khôn”, theo đó không nên nhìn thị trường màu tối mà từ khó khăn nó có thể tạo ra cơ hội mới.

"Doanh nghiệp phải chủ động thích ứng với hoàn cảnh. Việt Nam có 95-97% doanh nghiệp là nhỏ, siêu nhỏ nên tôi nghĩ sự thích ứng cũng không phải quá khó. Sự thích ứng của khối này sẽ là bệ đỡ quan trọng cho sự phát triển của kinh tế năm 2023 và những năm tới", ông Hà nói.

Bàn về các giải pháp, ông Mohammad Mudasser nêu quan điểm, Chính phủ Việt Nam nên tăng cường hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ Phát triển SME (SMEDF) và Quỹ Bảo lãnh tín dụng (CGF). Cả hai đều là những sáng kiến hữu ích, nhưng chúng có tỷ lệ tiếp nhận thấp. 

Thứ hai, cần hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến dữ liệu và nền tảng kinh tế số, hành lang pháp lý với việc cho vay tài sản không cố định. Doanh nghiệp đa phần phụ thuộc hoạt động thương mại cần nguồn vốn lưu động nhưng nhiều tài sản như hàng tồn kho, không được đánh giá cho vay.


Ong Lý
Cùng chuyên mục