Chuyên gia: Xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện dẫn tới việc mất rừng

15/11/2020 06:57 GMT+7
TS Đào Công Khanh cho biết, hiện có khoảng 360 nhà máy thủy điện lớn nhỏ khắp cả nước, xây dựng nhiều nhà máy này dẫn tới việc phải phá hủy đi một diện tích rừng.

Hơn một tháng qua, nhiều cơn bão dồn dập đổ bộ vào khu vực miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Vì vậy, câu chuyện vai trò của rừng đối với đời sống, sản xuất và phòng tránh thiên tai đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.

Trả lời trong chương trình tọa đàm "Phát triển rừng, nhìn từ chuyện mưa lũ miền Trung" phát sóng trên kênh VTC1, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản; TS Đào Công Khanh, Phó Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho rằng có bảy nhóm nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng, trong đó có xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ, vừa và các đập nước gây nên.

- Ông nhận định và đánh giá như thế nào về tình trạng sạt lở tại miền Trung hiện nay, thưa ông?

TS Đào Công Khanh: Những hình ảnh sạt lở trong thờ igian vừa qua được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, tôi cảm thấy thật sự đau xót, bởi vì việc gìn giữ nguồn tài nguyên của nước ta không được đảm bảo. Thiên tai xảy ra do biến đổi khí hậu, nhưng khả năng chống chọi với thiên nhiên của Việt Nam bị hạn chế, nên mới gây ra nhiều vụ sạt lở đến như vậy.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở tại miền Trung là do nền địa chất rừng bị suy giảm. Giá như Việt Nam còn giữ được rừng tự nhiên như trước đây thì sạt lở sẽ được hạn chế rất nhiều.

Chuyên gia: Xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện dẫn tới việc mất rừng - Ảnh 1.

Giá như Việt Nam còn giữ được rừng tự nhiên như trước đây thì sạt lở sẽ được hạn chế rất nhiều. TS. Đào Công Khanh


- Xét về góc độ diện mạo địa chất và thảm thực vật ở khu vực sạt lở, ông đánh giá thế nào với tình hình mưa lũ hiện nay tại miền Trung?

PGS.TS Trần Tân Văn: Tôi nghĩ rằng những trận sạt lở đất, lũ quét vừa rồi là lịch sử và kỷ lục, đã gây thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất. Chắc chắn trong thời gian tới thiên tai còn xảy ra ồ ạt và tràn lan.

Đây là một bài học rất lớn cho chính sách về phòng tránh giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam. Trên thế giới, rất nhiều nước sau một trận mưa lũ lịch sử gây sạt lở đất họ đã thay đổi các chính sách phòng tránh thiên tai.

Địa hình Việt Nam đã bất lợi rất lớn, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung. Sau một đợt mưa bão với cường độ lớn kéo dài liên tục nó làm cho tình trạng đất đá trở nên sũng nước. Ở những khu vực có rừng tự nhiên, khả năng số vụ sạt lở chắc chắn sẽ giảm đi so với những khu vực rừng trồng.

- Một trong những ý kiến nổi bật khiến cho nhiều người tranh cãi hiện nay của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong thời kỳ chiến tranh, 2 triệu ha rừng của Việt Nam bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học xuống, làm tàn phá rừng và chúng ta đã từng bước phục hồi, thưa ông?

TS Đào Công Khanh: Năm 1943 toàn bộ lãnh thổ Việt Nam có khoảng 14,6 triệu ha hầu hết là rừng tự nhiên, độ che phủ hơn 43% toàn quốc. Đến năm 1976 (sau khi giải phóng miền Nam) độ che phủ rừng tự nhiên của chúng ta chỉ còn lại 38%. Trong đó riêng diện tích rừng tự nhiên đã giảm mất hơn 2 triệu ha.

Theo số liệu Ban Kinh tế Trung ương công bố đầu năm nay, riêng khu vực Tây Nguyên hiện tại có 344.000 ha được chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang các mục đích khác, trong đó là các nhà máy thủy điện, trồng cây công nghiệp.

Chuyên gia: Xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện dẫn tới việc mất rừng - Ảnh 2.

Hai chuyên gia trả lời phỏng vấn trong buổi tọa đàm.

- Diện tích rừng bị suy giảm ảnh hưởng đến tầng địa chất ra sao, thưa ông?

PGS.TS Trần Tân Văn: Có thể nói thảm phủ thực vật là một lớp bảo vệ cho các tầng địa chất bên dưới. Nó ngăn cho các tầng địa chất bên dưới khỏi phải chịu tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời, nhiệt độ, nước và giữ được ổn định, ít bị thay đổi.

Khu vực không có lớp phủ thực vật tự nhiên, môi trường sẽ chịu tác động của nhiệt độ, ánh sáng, nước trực tiếp và dao động rất lớn. Cho nên, quá trình phong hóa biến đổi từ đá sang đất xảy ra rất nhanh. Ngoài ra, không có thảm phủ thực vật quá trình xói mòn, sạt lở sẽ xảy rất nhanh.

- Tại kỳ họp Quốc hội năm nay, nhiều ý kiến quan tâm về khái niệm rừng tự nhiên và rừng trồng mới. Từ năm 1996 đến nay tỷ lệ che phủ rừng được tăng lên nhưng tỷ lệ rừng tự nhiên bị suy giảm, phải chăng chất lượng rừng hiện nay của Việt Nam đang suy giảm đáng kể, thưa ông?

TS Đào Công Khanh: Tổng diện tích rừng trồng và độ che phủ tăng đang tiệm cận với con số cao nhất là 43% (năm 1943). Thế nhưng hiện nay, chất lượng rừng rất kém, số lượng diện tích rừng tự nhiên còn lại rất ít. Ở khu vực Tây Nguyên, trong  số 2.6 triệu ha rừng tự nhiên chỉ còn có hơn 18% là rừng giàu và trung bình, còn lại là rừng nghèo thậm chí là nghèo kiệt. Đây chính là những đối tượng mà trong một thời gian dài vừa qua được nhắc tới để chuyển đổi mục đích trồng cây cao su và một số loại cây khác.

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề cập, hiện nay chúng ta đạt được độ che phủ rừng 42% có nghĩa đã bao gồm cả diện tích rừng trồng mới mà không đề cập đến chất lượng của độ che phủ. Theo ông, đây có phải điều mà chúng ta đang quan tâm hay không?

TS Đào Công Khanh: Nói về vấn đề này tôi xin trích dẫn lời phát biểu của một giáo sư đầu ngành của chúng tôi: “Giá trị chất lượng của 10ha rừng trồng cũng không thể nào sánh bằng 1ha rừng tự nhiên được”.

Chuyên gia: Xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện dẫn tới việc mất rừng - Ảnh 3.

Sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung.

- Chất lượng rừng ngày càng giảm đi, trong khi đó độ che phủ rừng được tăng lên. Rừng tự nhiên giữ địa tầng và rừng trồng giữ địa tầng thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Tân Văn: Rừng tự nhiên có rất nhiều tầng, nhiều lớp và đặc biệt lớp sát mặt đất giữ rất nhiều giống loài bản địa, rất thích hợp với điều kiện đất đai. Thế nhưng, đối với rừng trồng, cơ bản chỉ có một tầng và một lớp phủ thực vật ngay sát mặt đất nên tác dụng của rừng trồng giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục giữ rừng tự nhiên và đồng thời phải tiếp tục trồng rừng. Những khu vực thuộc rừng phòng hộ nên để ý đến những giống loài bản địa, trồng nhiều, trồng đa dạng hơn. Những khu vực dự kiến phòng hộ không nên khai thác, chỉ để một diện tích vừa phải khai thác.

- Có một con số rất đáng lưu ý là 89% diện tích rừng tự nhiên trong thời gian vừa qua được dùng để khai thác cho các công trình thủy điện, con số này có đáng báo động không, thưa ông?

TS Đào Công Khanh: Tôi nghĩ có ảnh hưởng và đáng báo động. Bản thân tôi cũng đã từng lãnh đạo một nhóm công tác đánh giá nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng. Tôi xác định có bảy nhóm nguyên nhân chính, trong đó có xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ, vừa và các đập nước gây nên.

Đến năm 2018, chúng ta có khoảng 360 nhà máy thủy điện lớn nhỏ hoạt động khắp cả nước. Xây dựng nhiều nhà máy thủy điện dẫn tới việc phải phá hủy đi một diện tích rừng.

- Chuyển đổi 89% diện tích rừng sang làm thủy điện tác động đến tầng địa chất của Việt Nam thời gian tới ra sao, thưa ông?

Chuyên gia: Xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện dẫn tới việc mất rừng - Ảnh 4.

Chất lượng rừng ngày càng giảm đi, trong khi đó độ che phủ rừng được tăng lên.

PGS.TS Trần Tân Văn: Hiện nay, chúng ta cổ suý cho việc phục hồi, trồng rừng, nhưng lại lồng thêm vào mục tiêu kinh tế. Cá nhân tôi cho rằng, các lợi ích từ việc phát triển thủy điện, khai thác gỗ nếu đặt bên cạnh con số thiệt hại do thiên tai gây ra rất chênh lệch. Cho nên, đã phục hồi và phát triển rừng thì chỉ nên hướng đến mục tiêu phòng hộ mẹ thiên nhiên, không nên phát triển thủy điện nhỏ hay khai thác gỗ.

Chúng ta không thể nào đạt được 2-3 mục tiêu cùng một lúc được. Tôi có một đề xuất, là cung cấp thóc gạo, lương thực, trả lương cho đồng bào miền núi để họ khỏi phải làm nương rẫy, để họ có một công việc duy nhất là trồng rừng, bảo vệ rừng.

Rừng đó không phải là rừng đơn loài như hiện nay chúng ta vẫn trồng, mà nó phải nhiều giống loài bản địa. Như vậy, chúng ta mới đạt mục tiêu phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

Chuyên gia: Xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện dẫn tới việc mất rừng - Ảnh 5.

Trả lương cho đồng bào miền núi để họ khỏi phải làm nương rẫy, để họ có một công việc duy nhất là trồng rừng, bảo vệ rừng. PGS. TS Trần Tân Văn

- Hiện nay diện tích rừng chưa kịp che phủ mà thiên tai bão lũ liên tiếp xảy đến với Việt Nam. Vậy làm thế nào để đảm bảo tính an toàn, sinh kế cho người dân mà vẫn phát triển được hiệu quả một cách bền vững thưa ông?

TS Đào Công Khanh: Hiện nay chúng ta chỉ trông chờ vào rừng trồng mà thôi, vì chính phủ đã đóng cửa rừng tự nhiên. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp nhà nước, các nhóm hộ nông dân hoặc các cộng đồng đang giữ rừng tự nhiên cho nhà nước cũng không có quyền khai thác ở rừng tự nhiên. Chính vì vậy mới có chương trình hành động, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng thực hiện trên toàn quốc.

Mục tiêu của quản lý rừng bền vững là hướng tới quản lý những diện tích rừng tự nhiên còn lại trên cả nước bền vững, đồng thời cũng quản lý những diện tích rừng trồng được phát triển một cách bền vững trên ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Phương án quản lý rừng bền vững này có khả thi thì mới được cấp chứng chỉ để được phép bán gỗ qua nước ngoài. Chu kỳ quản lý này đảm bảo cho người dân thu nhập kinh doanh từ năm thứ nhất cho đến năm cuối cùng một cách bền vững mà không ảnh hưởng đến độ che phủ rừng.

Xin cảm ơn hai ông!

Theo Hoàng Thọ/VTCNews
Cùng chuyên mục