Cổ phiếu chứng khoán sẽ là 'nữ hoàng' của quý III?
Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua quý I/2020 không mấy êm ả. Chỉ số Vn-Index lao dốc mạnh từ vùng 960 điểm xuống 660 điểm (giảm hơn 31%) đã kéo theo hoạt động của các công ty chứng khoán (CTCK) chịu ảnh hưởng nặng nề khiến không ít CTCK ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý I.
Trong giai đoạn này, khá nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán như SSI, HCM, VND... giảm sâu xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, với sự khởi sắc của thị trường từ tháng 4 tới nay, nhóm ngành này kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến.
Sự hỗ trợ từ thị trường
Theo giới phân tích, kết quả kinh doanh quý II/2020 của các CTCK được dự báo sẽ tươi sáng dựa trên 3 lý do chính: lãi suất huy động của ngân hàng giảm khiến chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn; thanh khoản thị trường và dư nợ margin đều tăng trưởng khả quan; danh mục tự doanh của các CTCK hồi phục.
Trong một báo cáo mới đây của CTCK KB Việt Nam (KBSV), các ngân hàng thương mại đã và đang giảm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5% so với bình thường để tạo cơ sở giảm lãi vay hỗ trợ nền kinh tế sau dịch Covid-19 khiến kênh tiền gửi không còn hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ... cũng đang trì trệ, nên chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư mới, hay còn gọi là các nhà đầu tư F0 với hơn 102.000 tài khoản mở mới trong giai đoạn từ tháng 3 - 5.
Nhờ sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư F0 mà thanh khoản thị trường và dư nợ margin đều ghi nhận kết quả khả quan.
Cụ thể, tính từ tháng 4 đến ngày 18/6/2020, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đã đạt gần 305.000 tỷ đồng (tăng 35% so với quý II/2019 và tăng 33% so với quý I/2020), riêng giá trị khớp lệnh tăng 49% so với quý II/2019.
Đáng chú ý, số phiên giao dịch khớp lệnh với giá trị 6.000 - 7.000 tỷ đồng đã không còn hiếm gặp, thậm chí phiên giao dịch ngày 15/6 ghi nhận kỷ lục giao dịch lên tới hơn 23.000 tỷ đồng (bao gồm cả giao dịch thỏa thuận), tương đương gần 1 tỷ USD.
Theo dự phóng của KBSV, tổng giá trị giao dịch quý III có thể đạt đến 332.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố này đã hỗ trợ tốt cho thu nhập từ phí, lãi margin của các CTCK trong thời gian qua.
Về yếu tố tự doanh, nếu như kết quả kinh doanh lao dốc quý I của các CTCK có sự góp phần không nhỏ từ danh mục tự doanh do thị trường giảm sâu thì bước sang quý II, hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đều đã ghi nhận mức hồi phục trên 20%.
Như vậy, danh mục tự doanh của các CTCK dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng tốt trong quý II/2020. Các CTCK có danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lớn cuối quý I/2020 là SSI, SHS, VND, VCI.
Cổ phiếu thuận đường bứt phá
Theo nhận định của KBSV, những kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II khởi sắc của nhóm các CTCK sẽ kéo theo diễn biến khả quan hơn cho giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp này trên sàn chứng khoán.
Thực tế, trong phiên giao dịch ngày 23/6 – tức ngay sau khi những nhận định trên được công bố, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã kịp thời xác nhận một xu hướng tăng với hàng loạt cổ phiếu tăng trần và sát trần.
Đáng chú ý nhất là cổ phiếu SSI khi đạt mức tăng gần 6% lên 16.100 đồng/cổ phiếu với thanh khoản đột biến lên tới hơn 14 triệu đơn vị, gấp gần 4 lần so với phiên giao dịch trước. Trong số hơn 14 triệu cổ phiếu khớp lệnh của SSI tại phiên 23/6 thì có hơn 7,5 triệu đơn vị được xác lập ngay sau 1 giờ giao dịch.
HCM cũng không kém cạnh khi tăng hơn 5% lên 20.400 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt 5,2 triệu đơn vị - gấp gần 3 lần phiên giao dịch trước; SHS cũng tăng 6,2% lên 13.800 đồng/cổ phiếu và đạt thanh khoản 5,124 triệu đơn vị.
So với thời điểm thị trường xác lập đáy hồi cuối tháng 3, SSI đã tăng trưởng 61% từ mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu; HCM tăng gần 83%; SHS thậm chí ghi nhận mức tăng "khủng" gần 150%... Đây cũng là diễn biến chung của những cổ phiếu chứng khoán khác.
Trước đó, Chứng khoán HSC (mã: HCM) cũng đưa ra nhận định về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của công ty ước đạt 655 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế tạm ước đạt 245 tỷ đồng, tăng 27%.
Tương tự, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, MBS cũng tự tin đặt mục tiêu doanh thu 720 tỷ đồng, lợi nhuận tối thiểu là 200 tỷ đồng. Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm nay, MBS sẽ vượt 50% kế hoạch năm.
Thông thường, những con số doanh thu và lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm sẽ là thông tin hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu trong giai đoạn đầu quý III. Như vậy, trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có thể là nhân tố khuấy động thị trường.
Dù đưa ra những đánh giá cao về kết quả kinh doanh của nhóm CTCK, nhưng KBSV cũng không quên khuyến nghị về việc mức độ phục hồi của cổ phiếu ngành chứng khoán sẽ có sự phân hóa mạnh, phụ thuộc lớn vào biến động của tự doanh cũng như khả năng củng cố thị phần môi giới trước áp lực cạnh tranh mạnh từ các tên tuổi ngoại.